Tình tiết bất ngờ vụ án cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu tại Atlanta, Nga kết án một cựu binh Mỹ 16 năm tù vì tội gián điệp

15/06/2020 20:08 | 3 năm trước

(LSO) - Tại Mỹ, cái chết của nam thanh niên da màu Rayshard Brooks, 27 tuổi, bị một sĩ quan cảnh sát không chỉ làm dấy lên cuộc biểu tình vào cuối tuần qua mà còn khiến Cảnh sát trưởng Atlanta Erika Shield phải từ chức. Tại Nga, ngày 15/6, Tòa án TP. Moscow đã xét xử Paul Whelan, 50 tuổi - một người từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ, về tội danh hoạt động gián điệp.

Tình tiết bất ngờ vụ án cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu tại Atlanta

Bà Erika Shields, cảnh sát trưởng thành phố Atlanta từ chức. Ảnh: AP.

Vụ nam thanh niên da màu Rayshard Brooks, 27 tuổi, bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết tại Atlanta, thủ phủ bang Georgia, Mỹ, đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với thành phố này.

Cái chết của Brooks không chỉ làm dấy lên cuộc biểu tình vào cuối tuần qua mà còn khiến Cảnh sát trưởng Atlanta Erika Shield phải từ chức. Nhân viên cảnh sát Garrett Rolfe – người bắn chết thanh niên da màu này đã bị sa thải và một nhân viên cảnh sát thứ hai là Devin Brosnan, liên quan đến cuộc đụng độ đã bị điều chuyển sang bộ phận hành chính.

“Có một sự phân biệt rõ ràng giữa những gì bạn có thể làm và những gì bạn nên làm. Tôi không tin biện pháp vũ lực gây chết người đã được sử dụng một cách chính đáng trong trường hợp này”, Thị trưởng Atlanta, ông Keisha Lance phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/6.

Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời, đứng đầu trong số này là câu hỏi về việc liệu các nhân viên cảnh sát có phải đối mặt với cáo buộc hay không. Một số video ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của Brooks ở bãi đỗ xe của cửa hàng bán đồ ăn nhanh Wendy hôm 12/6 ít nhất đã làm sáng tỏ về cái chết của công dân 27 tuổi này.

Theo Cục Điều tra bang Georgia (GBI), cảnh sát đã có mặt sau khi nhận được báo cáo của cửa hàng Wendy về việc có một người đàn ông đã ngủ quên trong xe ô tô của anh ta tại nơi xếp hàng dành cho xe ô tô để chờ được phục vụ đồ ăn. Camera trên người cảnh sát Devin Brosnan cho thấy cảnh sát đến nơi và tiếp cận phương tiện của Brooks. Thời gian trên camera lúc đó là 22h40 tối 12/6 (giờ địa phương).

Brooks đang ngủ say sau tay lái và Brosnan đã gõ cửa sổ xe để đánh thức anh dậy. Cảnh sát mở cửa và nói với Brooks: “Này anh, anh đang đỗ xe giữa hàng chờ”. Lúc đầu Brooks không phản ứng.

Khi tỉnh giấc, thanh niên này dường như không tỉnh táo và nói năng không rõ ràng. Brosnan hỏi rằng liệu Brooks có mệt không và sau đó bảo anh di chuyển xe đến bãi đỗ xe. Sau khi Brosnan đánh thức lần thứ 2, Brooks mới chịu lái xe đi.

Tiếp đến Brosnan đến gần chiếc xe đang đỗ của Books và hỏi liệu anh có xuống rượu không. Brooks trả lời anh chỉ uống có 1 ly. Trong lúc Brooks tìm giấy phép lái xe, Brosnan dùng máy bộ đàm để yêu cầu 1 nhân viên cảnh sát khác tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở của Brooks.

Lúc đó, Brooks nói với rằng anh ta đang đi thăm mộ mẹ và nhân viên cảnh sát Brosman đã chia buồn với anh: “Tôi rất tiếc khi nghe điều này”.

Vài phút sau, nhân viên cảnh sát khác là Rolfe đến nơi. Sau khi được Brosman giải thích nhanh chóng toàn bộ vụ việc, Rofle bắt đầu hỏi Brooks rằng anh đã lái xe đến đây như thế nào. Brooks khẳng định anh không nhớ mình đã lái xe đến nơi xếp hàng mua đồ ăn nhanh và có vẻ như anh không biết mình đang ở đâu. Sau khoảng 23h, nhân viên cảnh sát Rolfe bắt đầu kiểm tra về một mức độ tỉnh táo. Brooks hỏi: “Tôi nên làm gì thưa ông?”. Sau một vài thử nghiệm, Rolfe hỏi Brooks về việc anh cảm thấy thế nào theo thang điểm từ 1 đến 190. “Tôi cảm thấy tốt, thưa ông”, Brooks nói.

Rofle sau đó sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn Breathalyzer đối với Brooks, sau khi anh nói rằng anh đã uống rượu nhân dịp sinh nhật của con gái anh.

“Tôi nghĩ là anh đã uống quá mức cho phép để lái xe”, Rofle nói đồng thời yêu cầu Brooks đưa hai tay ra sau lưng. Lúc này là 23h23 (giờ địa phương), theo camera hiển thị.

Khi Rofle cố gắng còng tay Brooks, thanh niên này đã phản kháng và một cuộc xô xát xảy ra. Thật khó để quan sát rõ những gì đã xảy ra trong video bởi camera đeo trên người 2 nhân viên cảnh sát đều bị rung lắc.

Nhưng camera từ xe tuần tra của cảnh sát cho thấy 3 người đang vật lộn trên mặt đất. Video từ camera của Rofle cho thấy Brosnan đã chuẩn bị sẵn khẩu súng điện Taser trong khi Rolfe khống chế Brooks từ phía sau.

“Anh sẽ bị bắn súng điện”, một nhân viên cảnh sát nói.

Một video khác được quay bởi một người bên ngoài ở nơi xếp hàng dành cho xe ô tô sau khi cuộc vật lộn bắt đầu cho thấy Brooks đã túm lấy khẩu súng.

“Bỏ tay ra khỏi khẩu súng”, một nhân viên cảnh sát nói.

Cuộc vật lộn tiếp tục khi một trong 2 nhân viên cảnh sát nói: “Dừng xô xát”. Lúc đó Brooks đã cầm trong tay khẩu Taser. Khi đứng dậy, Brooks đã đá vào mặt cảnh sát Rolfe. Rolfe lùi lại và rút súng điện ra bắn vào Books khi anh này đang bỏ chạy.

Chỉ có camera giám sát bên ngoài bãi đỗ xe Wendy ghi lại được khoảnh khắc cuộc xô xát trở thành 1 vụ giết người. Trong video giám sát của GBI phát hành, hầu hết cuộc đụng độ của Broolks với cảnh sát đều nằm ngoài khung hình.

Tuy nhiên camera giám sát lại ghi được thời điểm Brooks chạy trốn khỏi các nhân viên cảnh sát và nhân viên cảnh sát Rofle đang đuổi theo anh. Cả hai đều cầm súng điện.

Nga kết án một cựu binh Mỹ 16 năm tù vì tội gián điệp

Cựu binh Mỹ Paul Whelan đứng trong buồng giam bị cáo tại Tòa án TP. Moscow trong phiên tòa ngày 15/6. Ảnh: REUTERS

Một tòa án ở Nga đã tuyên phạt một cựu binh Mỹ 16 năm tù vì tội gián điệp, hãng tin Sputnik cho hay.

Ngày 15/6, Tòa án TP. Moscow đã xét xử Paul Whelan, 50 tuổi - một người từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ, về tội danh hoạt động gián điệp.

Tháng 12/2018, Whelan bị bắt quả tang đang nhận một USB (ổ nhớ di động) tại khách sạn Metropol ở thủ đô Moscow. Chiếc USB được cho là chứa tài liệu mật.

Với cáo buộc hoạt động gián điệp, các công tố viên Nga đề nghị kết án Whelan 18 năm tù (mức phạt cao nhất cho tội này là 20 năm tù). Sau quá trình nghị án, tòa tuyên phạt người này 16 năm tù.

Trong phiên toà, Whelan không nhận tội và nói rằng mình không phải là gián điệp của Mỹ. Dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao và cơ quan tình báo Mỹ, đài CBS News cho biết cựu binh Whelan không phải là gián điệp.

Liên quan đến phiên tòa này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng Whelan có thể đã không bị kết án nếu Mỹ không kết án các công dân Nga bằng những cáo buộc vô căn cứ.

"Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra các lựa chọn, chúng tôi nói rằng việc công dân Mỹ bị kết án ở Nga có thể được đổi bằng những công dân Nga - hầu hết họ bị kết án ở Mỹ vì những cáo buộc vô căn cứ và bất hợp pháp", ông Ryabkov nói.

Về phía Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan cho rằng cựu binh Mỹ Whelan không có tội và gọi phiên tòa là một động thái "nhạo báng công lý".

Ông Sullivan nói rằng bản án sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Nga, song khẳng định hai bên vẫn tiếp tục duy trì kênh đối thoại của song phương.

Người nhà của Whelan đã kêu gọi hai chính quyền Washington và Moscow đối thoại để cựu binh này được "thả tự do ngay lập tức". Trong một tuyên bố sau khi tòa tuyên án, gia đình bị cáo bày tỏ hy vọng đội ngũ luật sư bào chữa sẽ kháng cáo.

Sau khi tòa tuyên án, Whelan cũng tuyên bố ông sẽ kháng cáo.

Tuy nhiên, luật sư Vladimir Zherebenkov - một người trong nhóm bào chữa cho Whelan - cho rằng nếu Mỹ và Nga có được một thỏa thuận, nhóm luật sư này sẽ không cần kháng cáo. Dù vậy, nhóm luật sư vẫn chuẩn bị hồ sơ để kháng cáo trong trường hợp cần thiết.

Paul Whelan từng hoạt động trong Thủy quân lục chiến Mỹ trong vòng 14 năm trước khi bị đuổi khỏi quân ngũ do vi phạm kỷ luật. Trong thời gian tại ngũ, người này từng được cử đến chiến trường Iraq trong giai đoạn 2004 - 2006.

Ngoài quốc tịch Mỹ, người này còn có quốc tịch Anh, Canada và Ireland.

LÂM HOÀNG (t/h)

/tranh-cai-ve-giai-tan-canh-sat-truong-hoc-my-trung-quoc-dieu-tra-giam-doc-cong-an-trung-khanh.html