Tòa còn vướng khi xác định mức cấp dưỡng nuôi con

17/03/2020 22:36 | 4 năm trước

LSVNO - Để tòa án quyết định mức cấp dưỡng nuôi con bảo đảm hài hòa hai yếu tố: thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng với nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng là rất khó khăn.

Cấp dưỡng theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong các vụ án ly hôn mà tòa án thụ lý giải quyết hiện nay, hầu như đương sự chỉ tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con. Chẳng hạn như một bên đương sự yêu cầu được quyền nuôi con sẽ yêu cầu bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con với một số tiền cụ thể hoặc chỉ yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, bên không trực tiếp nuôi con sẽ có ý kiến không đồng ý cấp dưỡng hoặc chỉ đồng ý mức cấp dưỡng thấp hơn yêu cầu của bên kia hoặc có ý kiến yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp như vậy, tòa án phải xem xét để quyết định mức cấp dưỡng.

Mức cấp dưỡng nuôi con được quy định tại Điều 116 của Luật  Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.

Như vậy, khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố: việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trước đây, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị định 70/2001/NĐ-CP) thì “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Còn theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”.

Tuy nhiên, với những quy định như vậy, rất khó để tòa án có thể tính toán được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như tính toán nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Từ vướng mắc trong thực tiễn như vậy, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.

Thực tiễn giải quyết tại các tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể là “Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng các hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không còn hiệu lực thi hành và không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cho nên tòa án căn cứ vào hướng dẫn của các văn bản này để quyết định mức cấp dưỡng thông thường là bằng ½ tháng lương cơ sở là không đúng quy định pháp luật. Điều này dẫn đến thực tế là mức cấp dưỡng theo quyết định của tòa án không đáp ứng được chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng con chưa thành niên. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về xác định mức cấp dưỡng nên tòa án cần vận dụng tinh thần của các văn bản trước đây mà cụ thể là Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết về mức cấp dưỡng nuôi con.

Để tòa án quyết định mức cấp dưỡng nuôi con bảo đảm hài hòa hai yếu tố: thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng với nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng là rất khó khăn.

Bởi vì trong nhiều trường hợp, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng thì lớn hơn thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nên việc cấp dưỡng không thực hiện được. Nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có việc làm ổn định hoặc không có việc nên thu nhập của họ thấp và thậm chí là không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của chính bản thân họ.

Từ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết như vậy nên rất cần cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể về việc xác định mức cấp dưỡng nói chung và mức cấp dưỡng nuôi con nói riêng, nhất là mức cấp dưỡng “chuẩn” để tòa án căn cứ vào đó mà xem xét quyết định mức cấp dưỡng.

Dương Tấn Thanh