Tổng thống Belarus cho phép dùng quân đội để lập lại trật tự

24/07/2020 17:32 | 3 năm trước

Tổng thống Belarus lưu ý ông không muốn dùng quân đội để thiết lập trật tự công cộng, nhưng vẫn cảnh báo "bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Sputnik

Theo lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Mỹ là một ví dụ về điều này. Nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ đã phải triển khai quân đội ở một số bang để khôi phục trật tự công cộng trong thời gian vừa qua.

Trước đó, hôm 23/7, phát biểu trong cuộc họp với giới lãnh đạo khối kinh tế, Tổng thống Belarus Lukashenko đã tuyên bố rằng, các phương tiện truyền thông nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi nước này vì không tuân thủ luật pháp và kêu gọi bạo loạn.

Tại Belarus, ngày 9/8 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. 5 ứng cử viên đã được Uỷ ban bầu cử Trung ương Belarus chấp thuận đăng ký và đang tiến hành chiến dịch trình vận động bầu cử, gồm Tổng thống đương nhiệm Aleksander Lukashenko, cựu đại biểu Quốc hội Anna Kanopatskaia, chủ tịch Đảng “Dân chủ xã hội Belarus Gramada” Sergei Cherechen, đồng chủ tịch phong trào “Hãy nói sự thật” Andrei Dmitryev và vợ bloger Sergei Tikhanovsky là Svetlana Tikhanovskaia.

Nhưng hai người được coi là đối thủ chính của Tổng thống đương nhiệm là cựu lãnh đạo ngân hàng Belgazprombank Viktor Babariko và nhà ngoại giao Valery Tsepkalo đã bị từ chối đăng ký vào danh sách ứng cử viên.

Các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra trong nước và nước ngoài liên quan đến việc bắt các chính trị gia đối lập. Các vụ bắt giữ blogger Sergei Tikhanovsky và cựu lãnh đạo ngân hàng Belgazprombank Viktor Babariko đã gây ra phản ứng đặc biệt.

Tổng thống Lukashenko cho rằng, đang có âm mưu thực hiện một cuộc cách mạng ở Belarus. Ông chỉ trích sự can thiệp của nước ngoài vào chiến dịch bầu cử từ phía "các con rối" nước ngoài, đồng thời cảnh báo rằng, nước cộng hòa có thể mất một phần lãnh thổ và quay trở lại biên giới năm 1921.

Trong diễn biến liên quan, ngày 24/07, ông Valery Tsepkalo cùng vợ và hai con đã rời khỏi Belarus và đến Moscow, Nga do lo ngại bị bắt giữ. Ông cho biết, ông có bạn bè thân thiết ở các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã nhận được thông tin về khả năng bị bắt từ Uỷ ban An ninh quốc gia và Bộ Nội vụ của nước cộng hòa.

Trước đó Tòa án Tối cao Belarus đã không tán thành khiếu nại của ông Tsepkalo về việc từ chối đăng ký ông làm ứng cử viên Tổng thống. Theo Uỷ ban bầu cử Trung ương Belarus, ông đã không thể thu thập được 100.000 chữ ký đáng tin cậy cần thiết để hỗ trợ cho việc đề cử của mình.

ANH TÚ/VOV/MOSCOW

/tai-sao-cuu-tong-thong-sudan-co-the-bi-ket-an-tu-hinh.html