Trách nhiệm quản lý và giám sát của Bộ Y tế khi để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai

29/09/2020 01:21 | 3 năm trước

(LSO) - Vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã xác định trách nhiệm pháp lý thuộc về một số cán bộ phía cơ sở y tế này, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý khác đã thực hiện đúng quy định của pháp luật đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện rà soát, điều chỉnh lại hợp đồng liên doanh. Hơn nữa, chưa có những quy định xử phạt cụ thể của pháp luật về hành vi vi phạm trong công tác quản lý liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế nên không đủ căn cứ pháp lý khẳng định các hình thức xử phạt các cơ quan có thẩm quyền liên quan được.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc hàng loạt nguyên lãnh đạo chủ chốt Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố, bắt tạm vừa qua. Cụ thể, ngày 25/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng. Hai người này bị điều tra cùng về tội danh trên.

Đánh giá về vụ việc này cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ Y tế khi để xảy ra hàng loạt sai phạm trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SB LAW) cho rằng vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế, cụ thể là giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng tại Bệnh viện Bạch Mai đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, làm mất niềm tin của người dân đối với các cơ sở y tế, khám chữa bệnh. Hành vi này rất đáng lên án vì không chỉ gây thất thoát cho Nhà nước mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với người bệnh trực tiếp sử dụng thiết bị này.

Ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ của 04 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cụ thể là các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Theo đó, các bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa các dịch vụ trong bệnh viện. Tuy nhiên, từ vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế đang bị lợi dụng để trục lợi cho một nhóm người.

Đồng thời, trong vụ việc này có thể thấy được, khâu thẩm định giá đã tạo ra một lỗ hổng lớn để các cá nhân móc nối với nhau và làm thất thoát tài sản công của nhà nước. Do đó, để hạn chế tình trạng này thì các cơ quan quản lý cần thắt chặt hơn các khâu thanh tra cũng như minh bạch trong quy trình chọn nhà thầu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà,
Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Về phía Bộ Y tế, sau khi vụ việc xảy ra cũng như xác định các sai phạm của bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã gấp rút chỉ đạo các đơn vị bao gồm cả Bệnh viện Bạch Mai tiến hành rà soát lại hợp đồng liên doanh liên kết, thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ với các máy đầu tư theo đúng chủ trương liên doanh liên kết trong các cơ sở bệnh viện. Tuy nhiên, thiết nghĩ, để có thể minh bạch thông tin, cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Y tế cần nhanh chóng xây dựng cơ chế và hệ thống cơ sở dữ liệu để công khai minh bạch giá đi kèm với cấu hình chức năng và các yếu tố để minh bạch giá trang thiết bị y tế.

Hiện nay, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2020) đã bổ sung các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa vào phạm vi điều chỉnh (điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định này) cũng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả của chính sách xã hội hóa.

Xử lý trách nhiệm như thế nào?

Vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã xác định trách nhiệm pháp lý thuộc về một số cán bộ phía cơ sở y tế này, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý khác đã thực hiện đúng quy định của pháp luật đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện rà soát, điều chỉnh lại hợp đồng liên doanh. Hơn nữa, chưa có những quy định xử phạt cụ thể của pháp luật về hành vi vi phạm trong công tác quản lý liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế nên không đủ căn cứ pháp lý khẳng định các hình thức xử phạt các cơ quan có thẩm quyền liên quan được.

"Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền nên ban hành văn bản quy định rõ ràng và chi tiết hơn các nhiệm vụ quản lý của Bộ Y tế và các cơ quan khác, thâm chí là gắn trách nhiệm lên từng cá nhân để có thể nâng cao ý thức. Mặc dù các chế tài đã có tương đối nặng và có sức răn đe, ví dụ như một số đối tượng trong vụ việc này đã bị kết án tù hoặc tù chung thân, tuy nhiên thì vẫn cần hơn nữa các biên pháp gia tăng quản lý để có thể phòng ngừa và ngăn chặn các sai phạm xảy ra trong tương lai", Luật sư Hà kiến nghị.

THANH THANH

/hanh-vi-khong-chap-hanh-dung-cac-thu-tuc-phap-ly-ve-khai-bao-nhan-khau-luu-tru-va-dang-ki-nhan-con-nuoi-cua-tinh-that-bong-lai-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html