Trẻ em bị xâm hại: Đâu là nguồn cơn?

23/03/2020 10:29 | 4 năm trước

LSVNO - Sinh ra vốn không được bình thường, thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng H. không "trở thành gánh nặng" cho gia đình, em vẫn hồn nhiên với tuổi thơ khi không có bố mẹ bên cạnh. Đến một ngày, tai họa ập xuống cuộc đời em vì "ông" hàng xóm "bệnh hoạn".

Đứa trẻ “không lành lặn”

“Khi nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho cháu bé Đặng Thị Thanh H., 15 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, là nạn nhân trong vụ án dâm ô đối với trẻ em, bản thân tôi cũng là một người mẹ có con gái nhỏ đã thực sự cảm thấy vô cùng xót xa và lấy làm tiếc đối với trường hợp của cháu H. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi càng thương cảm hơn khi biết về hoàn cảnh éo le cùng tuổi thơ thiệt thòi của cháu bé này. Ngay chính lúc đó, trong suy nghĩ của mình cùng lương tâm nghề nghiệp mách bảo tôi phải dốc hết tâm sức, tìm ra các chứng cứ để để bảo vệ thân chủ của mình một cách tốt nhất”, Luật sư Vũ Thị Mai Phương, Văn phòng Luật sư Tâm Đức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

Qua giọng kể ấm áp và chứa đựng nhiều trăn trở của Luật sư Phương, hoàn cảnh của cháu H. dần hiện lên mà trong đó khoảng tối đa phần chiếm gam màu chủ đạo trong cuộc đời em.

Luật sư Mai Phương: Bố mẹ hãy trở thành người bạn với con.

Theo lời nữ Luật sư, thì ngày mang thai cháu H., do gia cảnh khó khăn mà hai vợ chồng anh Đặng Quốc V. (SN 1975) cùng vợ là chị Đặng Thị M. (SN 1980) phải tha hương vào tận miền Nam mưu sinh bằng công việc phụ hồ. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng tiền kiếm được lại chẳng được là bao. Đến ngày sinh nở cũng vì không có tiền mà chị M. chấp nhận “vượt cạn” ngay chính tại căn phòng trọ chật chội. Cả mẹ và con đã không được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là đứa trẻ khiến cháu H. thường xuyên đau ốm.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây, trong một lần đưa con vào bệnh viện, bố mẹ cháu H. đã gần như quỵ ngã khi bác sĩ thông báo cháu bé bị thần kinh bẩm sinh mà nguyên nhân là do nhiễm khuẩn từ lúc mới sinh.

“Những tưởng cháu H. sẽ như bao bệnh nhân bị thần kinh khác có những hành động không kiểm soát, quậy phá…, nhưng khi tôi trực tiếp tiếp xúc cũng như được người nhà cháu cho biết thì cháu H. chỉ là không được đi học, còn mọi công việc sinh hoạt, lao động thường ngày của cháu vẫn diễn ra một cách bình thường. Thậm chí, cháu còn rất có duyên chăm sóc trẻ con, cộng thêm khuôn mặt bầu bĩnh, hiền lành nên được rất nhiều các em nhỏ quý mến. Do bản tính trẻ con ham chơi, cháu H. cũng thường xuyên chạy sang nhà chú ruột chơi với các em. Từ đây, số phận khắc nghiệt một lần nữa lại biến em thành nạn nhân”, Luật sư Phương kể.

Khi bố mẹ thờ ơ

Thời điểm xảy ra vụ việc vào đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 12/2014. Thay vì ở nhà ngủ trưa, cháu H. lại lang thang đến nhà chú thím để chơi với các em. Lúc đó, mọi người đang ngủ trưa, cháu bé cũng biết ý nên cứ loay hoay đứng đợi ngoài cổng mà chưa về ngay.

Nhưng cách chỗ cháu H. đứng mấy bước chân, một người hàng xóm mà từ trước tới giờ cháu vẫn luôn lễ phép chào bằng ông đang hướng cặp mắt nhìn về đứa trẻ. Đó là Đặng Văn Trình (64 tuổi), gã này tiến lại gần, nhanh chóng đưa cháu H. về nhà, hứa hẹn cho cháu chơi điện thoại. Ngay tại nhà riêng, gã đã kéo cháu vào lòng và rồi giở trò đồi bại.

“Vì nhận thức bị hạn chế, nên cháu bé ngây thơ không phản kháng trước những hành vi bệnh hoạn của “lão râu xanh”. Chỉ đến khi có một người hàng xóm đi qua, phát hiện sự việc và quát lớn cháu bé: ‘Về ngay’ thì lúc đó cháu H. mới chịu ra về. Tại nhà chú thím mình, cháu bé đã kể lại toàn bộ sự việc vừa xảy ra cho thím nghe. Quá sững sờ và bức xúc, gia đình cháu bé đã làm đơn gửi tới cơ quan Công an, tố cáo hành vi bỉ ổi của gã hàng xóm bệnh hoạn”, Luật sư Phương bức xúc kể lại.

Là người tiếp xúc, tham gia nhiều vụ án hình sự, riêng đối với các loại tội phạm này đã khiến nữ luật sư trăn trở và đau đáu nhiều hơn cả. Bởi chứng cứ trong những vụ án này thường là chứng cứ gián tiếp, rất mong manh, vừa thiếu lại vừa yếu. Nếu như sự việc không được phát hiện nhanh chóng và đưa nạn nhân đi giám định thì dấu vết phạm tội sẽ nhanh chóng bị xóa mất. Lợi dụng việc này, đối tượng phạm tội sẽ quanh co, chối tội, gây khó khăn, cản trở cho cơ quan điều tra khám phá ra vụ án. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Các em chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Chưa kể, các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.

Luật sư Phương cho biết thêm, cháu H. thiệt thòi đủ điều, trước khi bị xâm hại thì cháu bé sớm phải rời xa vòng tay chăm sóc của mẹ chỉ vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, khiến bố mẹ cháu phải “đường ai nấy đi”.

“Việc bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái như trường hợp của cháu H. cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại”, Luật sư Phương nói.

Trở lại vụ án, Luật sư Phương cho biết, HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Trình 24 tháng tù giam (tăng 3 tháng so với bản án sơ thẩm) về tội “Dâm ô đối với trẻ em” quy định tại Điều 116 BLHS.

Trước khi chia tay, Luật sư Phương cũng không quên nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh hãy quan tâm, sát sao tới sự phát triển tâm sinh lý của con em mình hơn nữa. Hãy trở thành những người bạn thay vì là bề trên cùng những áp đặt cứng nhắc để trẻ thực sự có môi trường cởi mở, bình đẳng để tự bộc bạch và chia sẻ cùng người lớn. Có như vậy, người lớn cùng với các con mới cùng tìm ra được cách tháo gỡ những nút thắt trong cuộc sống, tránh để xảy ra những vụ án đáng tiếc như trên.

Thúy Nguyễn

Từ khoá : xâm hại trẻ em dâm ô