Triều Tiên muốn tăng cường răn đe hạt nhân, Đài Loan phát triển tên lửa hành trình

23/05/2020 20:06 | 3 năm trước

(LSO) - Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp của Quân ủy Trung ương để thảo luận các chính sách mới nhằm củng cố năng lực hạt nhân. Sự căng thẳng tại Đài Loan và Trung Quốc đang ngày càng leo thang khi mà gần đây, Đài Loan đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tien Kung-3 có thể đánh chặn tên lửa Trung Quốc tại căn cứ quân sự Pingtung, nam Đài Loan.

Triều Tiên muốn tăng cường răn đe hạt nhân

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp của Quân ủy Trung ương trong bức ảnh được KCNA công bố hôm nay. Ảnh: KCNA.

"Trọng tâm tại cuộc họp là những chính sách mới nhằm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của đất nước", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin, song không nói rõ cuộc họp diễn ra ngày nào.

KCNA không nêu cụ thể những yêu cầu của răn đe hạt nhân, nhưng nói rằng "các biện pháp quan trọng" đã được đưa ra tại cuộc họp "để tăng đáng kể khả năng tấn công hỏa lực của Quân đội Nhân dân Triều Tiên".

Các cuộc thảo luận của Quân ủy Trung ương cũng tập trung "đặt lực lượng vũ trang chiến lược vào hoạt động cảnh báo cao" phù hợp với "xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của đất nước".

Nếu cuộc họp diễn ra trong vài ngày qua, đây sẽ là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Kim Jong-un trong gần ba tuần, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc. Kim Jong-un tháng trước gây chú ý vì những đồn đoán sức khỏe sau khi vắng mặt tại các sự kiện lớn của đất nước. Tin đồn chỉ chấm dứt khi lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện tại lễ khánh thành một nhà máy phân bón ở phía bắc Bình Nhưỡng hai tuần sau đó.

Tin tức về các cuộc thảo luận hạt nhân của Triều Tiên xuất hiện sau khi tờ Washington Post hôm 22/5 đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về việc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992 như một lời cảnh báo đối với Nga và Trung Quốc.

Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, nói với tờ báo rằng quyết định này có thể "phá vỡ" các cuộc đàm phán với Kim Jong-un bởi lãnh đạo Triều Tiên sẽ "không còn cảm thấy buộc phải tôn trọng cam kết dừng thử hạt nhân".

Đài Loan phát triển tên lửa hành trình

Tên lửa Tien Kung-3 của Đài Loan. Ảnh: AFP

Ngày 20/5, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố trong bài phát biểu rằng sẽ củng cố phòng thủ lãnh thổ bằng chiến lược chiến tranh phi đối xứng, báo trước quan hệ xuyên eo biển Đài Loan sẽ gập ghềnh trong bốn năm tới.

Trong chiến tranh phi đối xứng, một bên sử dụng vũ khí phi truyền thống để chống lại kẻ thù mạnh hơn. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường chương trình tên lửa của Đài Loan đồng nghĩa với việc lãnh thổ này có thể ứng phó với Trung Quốc trước khi Mỹ tới giải cứu.

Ông Chieh Chung - nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh quốc gia tại Đài Bắc cho biết danh mục vũ khí trong chiến lược này bao gồm tên lửa, ngư lôi, máy bay và máy bay không người lái. Nhưng cho tới nay, tên lửa là cách hiệu quả nhất để tấn công và đe dọa kẻ thù.

Ông Chieh nói rằng không có gì ngạc nhiên khi Đài Loan muốn đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa để đảm bảo khả năng tấn công nếu cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan nổ ra.

Thực tế là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lớn mạnh hơn và ngân sách quân sự của Đài Loan quá hạn chế để chạy đua vũ trang với Bắc Kinh.

Theo báo South China Morning Post, Viện Khoa học và công nghệ Chung Shan của Đài Loan đã làm việc với quân đội từ năm 1970 để phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Trong chuyến thăm tới viện vào tháng 1, bà Thái Anh Văn đã yêu cầu tăng tốc kế hoạch sản xuất hàng loạt phiên bản cải tiến của Tien Kung-3 và tên lửa siêu thanh Hsiung Feng-3 để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Được biết, tháng trước, viện đã thử nghiệm các tên lửa, bao gồm Tien Kung-3 và một tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền.

Theo các phương tiện truyền thông Đài Loan, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tien Kung-3 đã được thử nghiệm từ ngày 5 đến ngày 23/4 tại căn cứ quân sự Pingtung, phía nam Đài Loan. Hơn nữa, phiên bản mới nhất của Tien King-3 lắp đặt trên tàu đã được thử nghiệm vào ngày 9 và 10/4.

Việc phát triển tên lửa Tien Kung-3 được tiết lộ lần đầu trong phiên họp đánh giá ngân sách năm 2014. Loại tên lửa này thuộc 1 trong 10 hạng mục phát triển vũ khí trong dự án Chiang Kung trị giá 233 triệu USD. Tien Kung-3 dự kiến sẽ đi vào sản xuất hàng loạt vào năm tới, theo báo Liberty Times của Đài Loan.

Chang Cheng - một kỹ sư đã về hưu của Viện Khoa học và công nghệ Chung Shan, cho biết tầm bắn của Tien Kung-3 đã tăng từ 45km lên khoảng 70km, cho phép đánh chặn tên lửa của quân đội Trung Quốc. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nhận định nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Dongfeng của Bắc Kinh.

Viện Chung Shan cũng thử nghiệm tên lửa Yun Feng vào ngày 14 và 15/4 tại căn cứ Jiupeng, theo United Daily News.

Các chuyên gia quân sự cho biết tên lửa hành trình Yun Feng có tầm bắn 1.500km, có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải hay đập Tam Hiệp.

Su Tzu Yun - nhà phân tích tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan, cho biết Yun Feng được triển trai để làm suy yếu khả năng chiến đấu của Trung Quốc.

Chiến lược của Đài Loan trước Bắc Kinh

Giữa bối cảnh đó, bà Thái sẽ thực hiện chính sách an ninh dựa trên 2 nền tảng chính: quyết tâm chống lại áp lực từ Bắc Kinh, cố gắng kiểm soát tình hình và kiềm chế dù đại lục có nhiều hành động tạo sức ép.

Trong đó, Đài Bắc sẽ nhấn mạnh vào các yếu tố dân chủ để thể hiện sự đối lập với thể chế của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, để tăng cường thực lực trước sức mạnh quân sự của đại lục, Đài Loan sẽ tiếp tục các dự án tăng cường sức mạnh quân sự và hiện đại hóa lực lượng phòng vệ vốn đã được đặt ra từ khi bà Thái nắm quyền.

Tất nhiên, Bắc Kinh cũng tiếp tục theo đuổi những biện pháp nhằm cô lập Đài Bắc trên diễn đàn quốc tế. Ứng phó sức ép này, Đài Loan sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác với một số đối tác thân cận như Mỹ hay Nhật Bản.

Vốn dĩ, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hay Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đều tăng cường hợp tác với Đài Loan. Trong nền tảng đó, Đài Bắc thậm chí có thể tăng cường vị thế quốc tế bằng cách đẩy mạnh hợp tác an ninh để trở thành một đối tác của Tứ giác an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

LÂM HOÀNG (t/h)

/tin-soc-ve-thuoc-dieu-tri-covid-19-ma-tong-thong-my-dang-dung.html