Trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng CAND

06/06/2020 17:31 | 3 năm trước

Mới đây, Thông tư số 28/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (CAND) chính thức có hiệu lực; Thông tư gồm 03 chương 23 điều.

Theo đó, Thông tư này quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân. Đối tượng áp dụng, gồm: Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều  tra của Công an nhân dân; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cấp trưởng, Cấp phó, Cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; các cơ quan, đơn vị khác của Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Chương II của Thông tư chia thành 03 mục lớn, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trình tự, thủ tục phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Tổ chức việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 4 Thông tư này, trong đó, cơ quan điều tra của Công an nhân dân phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã, các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố... 

Cán bộ làm công tác trực ban hình sự hoặc được phân công tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm chỉ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, không tiếp nhận các thông tin do cá nhân hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến phản ánh, đến gửi đơn hoặc các hình thức văn bản khác có nội dung liên quan đến lĩnh vực hành chính, dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an nhân dân, mà tiến hành lập biên bản hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (trừ trường hợp đơn, thư được gửi qua đường bưu điện, giao liên).

Ngoài ra, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục An ninh điều tra Bộ Công an; Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Phòng An ninh điều tra Công an cấp tỉnh; Đội Điều tra tổng hợp Công an cấp huyện là đầu mối trong việc theo dõi, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các cơ quan khác của Công an nhân dân phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tiếp nhận để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết.

Thông tư này thay thế những quy định trước đây của Bộ Công an. Các trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã được phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được áp dụng Thông tư này để giải quyết tiếp kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

MINH ANH/BỘ CÔNG AN

/tu-01-7-2020-luong-giao-vien-se-thay-doi-the-nao.html