Trung Quốc: Mở đại sứ quán tại quốc đảo Thái Bình Dương, xem xét sớm thông qua Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông

28/06/2020 18:11 | 3 năm trước

(LSO) - Khi dịch Covid-19 vẫn lây lan ở nhiều quốc gia, Trung Quốc đã khai trương đại sứ quán ở một quốc đảo Thái Bình Dương xa xôi có dân số chỉ 116.000 người. Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 13 tiếp tục xem xét nhằm thông qua Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông – vốn đang bị Mỹ gây sức ép.

Lý do Trung Quốc mở đại sứ quán tại quốc đảo Thái Bình Dương

Trung Quốc đã khai trương đại sứ quán ở Kiribati. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá việc Trung Quốc mở đại sứ quán ở Kiribati nằm tại trung tâm Thái Bình Dương có vẻ kỳ lạ, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 chưa thuyên giảm. Trước đó, chỉ có ba quốc gia đã mở đại sứ quán ở Kiribati là Australia, New Zealand và Cuba.

Theo CNN, Kiribati đang trở thành địa điểm mới trong cạnh tranh địa chính trị và là ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương – khu vực có nhiều hòn đảo giàu tài nguyên và giữ vị trí chiến lược giữa châu Á và châu Mỹ.

Năm 2006, Thủ tướng khi đó của Trung Quốc là ông Ôn Gia Bảo đã trở thành quan chức cao cấp nhất của nước này đến thăm các đảo quốc Thái Bình Dương. Ông Ôn Gia Bảo cam kết dành 3 tỉ nhân dân tệ (424 triệu USD) dưới dạng khoản vay ưu đãi để đầu tư và phát triển tài nguyên, nông nghiệp, thủy sản và các ngành then chốt khác tại khu vực này.

Viện Lowy (Australia) cho biết ngày nay Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ hai, chỉ sau Australia, đối với các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương.

Trong thời điểm dịch Covid-19 lây lan, các chuyên gia y tế Trung Quốc đã tư vấn cách phòng chống dịch qua hội thảo trực tuyến với các đồng nghiệp ở 10 quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương.

Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc còn tuyên bố quyên góp 1,9 triệu USD tiền mặt và thiết bị y tế cho các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương để chống Covid-19.

Nhiều nhân viên y tế Trung Quốc đã trực tiếp đến một số quốc gia, trong đó có Samoa, để hướng dẫn người dân cách kiểm soát virus SARS-CoV-2. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các đảo quốc tại Thái Bình Dương đã ghi nhận 312 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 7 người tử vong.

Ông Jonathan Pryke tại Viện Lowy nhận định: “Hành động của Trung Quốc tại Thái Bình Dương bắt nguồn từ cơ hội. Họ cố giành được ảnh hưởng nhiều nhất có thể”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận điều này và khẳng định hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các đảo quốc Thái Bình Dương là chân thành và không có bất cứ tham vọng chính trị nào.

Trong tháng 5, khi Trung Quốc đối mặt với nhiều chỉ trích về cách xử lý dịch Covid-19, các đảo quốc Thái Bình Dương đã thể hiện sự ủng hộ. Vài ngày trước khi Hội đồng Y tế thế giới (WHA) nhóm họp vào tháng 5, bộ trưởng 10 nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương đã dự hội thảo trực tuyến về Covid-19 do Trung Quốc tổ chức. Kết thúc hội thảo, các nước cho rằng Trung Quốc đã phản ứng hợp lý.

Ông Denghua Zhang tại Đại học Quốc gia Australia nói: “Đây chính là điều chính phủ Trung Quốc muốn”.

Trên thực tế, hỗ trợ của Trung Quốc cho các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương chưa thể ngang hàng với Australia. Trong tháng 5, Australia tuyên bố đã chi 69 triệu USD để hỗ trợ tài chính nhanh chóng cho 10 quốc đảo Thái Bình Dương.

Australia và New Zealand tuyên bố đã khống chế dịch Covid-19 thành công và mở cửa biên giới giữa hai quốc gia, hình thành “bong bóng du lịch”. Một số đảo quốc Thái Bình Dương như Fiji, Samoa và quần đảo Solomon đã đề nghị tham gia “bong bóng du lịch” này. Tuy nhiên, chưa có đảo quốc Thái Bình Dương nào đề nghị điều tương tự với Trung Quốc.

Trung Quốc xem xét sớm thông qua Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông

Chủ tịch Nhân đại (Quốc hội) TQ Lật Chiến Thư chủ trì kỳ họp. Ảnh: Mạng Tân Hoa

Kỳ họp lần thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc hôm 28/6 tiếp tục lắng nghe báo cáo kết quả xem xét nhiều dự thảo Luật quan trọng của nước này bao gồm Dự thảo Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, dự thảo Luật bản quyền sửa đổi, Dự thảo luật bảo vệ trẻ chưa thành niên, dự thảo Luật kiểm soát xuất khẩu…

Về dự thảo Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc cho rằng, dự thảo được xây dựng trên cơ sở thu thập đầy đủ ý kiến của người dân Hồng Kông, các nội dung cũng đề cập chính xác và phù hợp với tình hình Hồng Kông hiện nay.

Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đánh giá, Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông được thông qua sẽ sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng, bất cập trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia tại khu tự trị này. Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông có lợi cho việc đảm bảo sự ổn định, phồn vinh cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân Hồng Kông.

Dự kiến nhiều khả năng Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp lần này, bất chấp những sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ. Trước đó, Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn nếu Trung Quốc thông qua bộ Luật này như việc dỡ bỏ quy chế ưu đãi đối với Hồng Kông.

Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật tự chủ Hồng Kông”, nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với các cá nhân và công ty ủng hộ Trung Quốc hạn chế quyền tự chủ của đặc khu này.

LÂM HOÀNG (t/h)

/trung-quoc-yeu-cau-cac-dia-phuong-sua-doi-quy-dinh-han-che-di-lai-my-nguy-co-mat-kiem-soat-dich-covid-19.html