Khi nào thì CSGT được sử dụng vũ lực đối với người vi phạm?

03/01/2024 17:46 | 8 tháng trước

(LSVN) - Theo Luật sư, CSGT phải giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm pháp luật và có quyền cưỡng chế, yêu cầu họ chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ. Nếu có hành vi chống đối bằng vũ lực, CSGT được phép bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm và tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của họ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ, đặc biệt với lực lượng CSGT có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ, lẫn mức độ vi phạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ của lực lượng CSGT. Về hành vi, không chỉ có những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, mà nguy hiểm, liều lĩnh hơn là chủ động tấn công lực lượng khi đang xử lý vụ việc. Điều này thể hiện sự manh động, côn đồ và sự coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm.

Vậy, theo quy định hiện nay thì CSGT được sử dụng vũ lực trong những trường hợp nào và việc sử dụng vũ lực để trấn áp các đối tượng vi phạm pháp luật cần được thực hiện ra sao? Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo Điều 8, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT có các quyền như được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư 32/2023/TT-BCA này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Điều 14, Nghị định 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định trong lúc làm nhiệm vụ, CSGT phải giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm pháp luật và có quyền cưỡng chế, yêu cầu họ chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Nếu có hành vi chống đối bằng vũ lực, CSGT được phép bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm và tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của họ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc có hành vi sử dụng vũ khí tấn công CSGT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người chống đối. Việc nổ súng được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối chiếu những quy định trên, có thể thấy CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Nếu hành vi chỉ đơn thuần vi phạm Luật Giao thông đường bộ, CSGT không có quyền trấn áp hay sử dụng vũ lực. Trường hợp người vi phạm không chấp hành, lực lượng chức năng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Với những trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ hay các phương tiện nguy hiểm khác để tấn công, chống trả, người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, súng hoặc công cụ hỗ trợ khác để trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội. Việc dùng vũ lực phải đảm bảo không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thi hành công vụ cũng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đối chiếu vụ việc trên, có thể thấy tài xế đã sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là ô tô để lao vào lực lượng chức năng nhằm chống đối. Kết hợp việc điều khiển phương tiện trong tình trạng vi phạm kịch khung quy định về nồng độ cồn, đây là hành vi có tính chất rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội cũng như sức khỏe, tính mạng của những người khác. Bởi, việc áp dụng vũ lực để khống chế, ngăn chặn tài xế trong trường hợp này là cần thiết và phù hợp theo quy định của pháp luật.

TRẦN MINH

Bán hàng giả, hàng nhái qua livestream: Vì sao khó quản, khó xử lý?