Tự giác

29/07/2020 00:00 | 3 năm trước

(LSO) - Tự giác là làm việc gì cũng tự mình hiểu mà làm, không cần người khác nhắc nhở, đốc thúc. Người tự giác là người hiểu rõ trách nhiệm, vai trò, vị trí và quyền lợi của mình trong gia đình, tổ chức hay cộng đồng xã hội.

Tự giác không phải là kỹ năng bẩm sinh tự nhiên, mà nó đòi hỏi phải có quá trình giáo dục, học tập, rèn luyện. Như vậy, tự giác là sự kết hợp từ phía bản thân và phía bên ngoài, nó biểu hiện ở nhiều góc độ, trong ý nghĩ, hành động, trong ứng xử với chính mình và với người xung quanh.

Tự giác phải trải qua một quá trình giáo dục lâu dài, liên tục, đây là một hình thức rèn luyện bản thân có chọn lọc, tạo nên những thói quen trở thành ý thức trong cách nghĩ và hành vi của con người, phù hợp với yêu cầu chung, nhằm mục đích nâng cao giá trị của bản thân và hướng đến xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh. Một xã hội văn minh đòi hỏi mỗi cá nhân phải có ý thức tự giác theo cái đúng ở mọi lúc, mọi nơi kể cả trong gia đình hay nơi công cộng.

Ảnh minh họa.

Vấn đề là làm thế nào để mọi người tự giác. Có thể nói, có hai yếu tố quyết định sự tự giác của cá nhân là giáo dục và môi trường xã hội. Tự giác có thể học tập được, nó được hình thành từ trong gia đình, rồi đến nhà trường, cộng đồng xã hội. Một đứa trẻ từ khi còn nhỏ đã được ông bà, cha mẹ, anh chị dạy dỗ việc ăn, ngủ, học hành, vệ sinh, lễ phép… với mọi người, biết làm những việc có ích cho gia đình và xã hội phù hợp với lứa tuổi; lớn lên được nhà trường, xã hội, cơ quan, đoàn thể tiếp tục dạy những điều đó, thì chắc chắn sẽ trở thành một công dân có ý thức tự giác, biết yêu thương gia đình, có trách nhiệm với xã hội. 

Cùng với việc dạy dỗ, học tập để con người tự giác, cũng cần phải có một xã hội tiến bộ để sự tự giác của cá nhân phát triển. Ví dụ khi ở nơi đông người, cần phải xếp hàng theo thứ tự để sử dụng dịch vụ công cộng, mua bán hàng, xem nghệ thuật…, nếu ai cũng tự động đứng vào hàng chờ đến lượt mình thì ai đó cố tình chen ngang sẽ bị phản đối, thậm chí tự thấy xấu hổ về hành vi của mình.

Hiện nay, các bậc phụ huynh cũng rất lúng túng khi dạy con, cháu mình tự giác. Bởi khi các cháu ra ngoài nhiều khi phải chứng kiến việc người lớn không tự giác, các hành vi chen lấn, xô đẩy, không thực hiện vệ sinh chung, không tôn trọng người khác... Rất nhiều trường hợp tắc đường và xảy ra tai nạn, lại do chính lỗi của người tham gia giao thông vì thiếu ý thức tự giác, chen lấn, không nhường đường, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích...

Nhiều khi chỉ vì hành vi thiếu tự giác, con người đã gây ra thiệt hại không chỉ với cá nhân mình, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng xã hội. Trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta được chứng kiến rất nhiều trường hợp vì thiếu trách nhiệm, mà cá nhân đã gây ra thiệt hại khôn lường cả về tinh thần và vật chất cho xã hội.

Có lẽ, còn rất lâu người Việt Nam mới quên cái đêm ngày 06/3/2020, một cô gái 26 tuổi, trú tại phố Trúc Bạch, Hà Nội, đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về nhưng không tự giác khai báo để cách ly được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 (bệnh nhân thứ 17). Khó có thể thống kê những thiệt hại về kinh tế và công sức của hàng vạn người do trường hợp này gây ra. Đó là chưa nói đến sự an nguy của cả cộng đồng và sự xáo trộn xã hội, khi có thêm nhiều người lây nhiễm mắc Covid-19 từ hành vi vô tình “gieo rắc virus” của bệnh nhân thứ 17, nếu như chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời, quyết liệt.

Cũng trong thời gian này, nhiều người đã không tự giác thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng chống dịch, có trường hợp còn chống đối người thi hành công vụ. Một số người lại có những hành vi làm nguy hại cho cộng đồng, bằng việc đua xe, hay tung những tin giật gân trên mạng xã hội, chỉ vì thói ích kỷ để thu hút sự chú ý của nhiều người. Nguy hiểm hơn, những tin đồn thất thiệt, tin giả trên mạng với tốc độ lây lan nhanh chóng, mà người ta gọi là “virut” độc hại, cũng nguy hiểm không kém dịch bệnh và đôi khi chính những dòng chữ vô cảm ấy, còn trở thành tội ác đối với đồng loại. Đã có những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh mà găm hàng, tăng giá trục lợi và có những hành xử thiếu tình người, thậm chí còn sản xuất thiết bị y tế giả, hàng kém chất lượng thu lợi bất chính và gây nguy hại cho người sử dụng. Đặc biệt, còn có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của đồng bào mình để chia nhau...

Tuy nhiên, đó chỉ là những số ít và đã bị xã hội lên án, pháp luật sẽ nghiêm trị làm bài học cảnh tỉnh cho những người vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm trước đồng loại. Cái tốt, cái thiện luôn ở vị trí thượng phong, để những người ích kỷ, định làm điều xấu xa phải tự thấy ái ngại, xấu hổ mà dừng lại.

Trong cuộc chiến chống dịch vừa qua chúng ta đã được chứng kiến tinh thần tự giác của người Việt Nam. Đó là các chiến sĩ ngành y, quân đội, công an…; cùng với đó là những bác sỹ, điều dưỡng đã nghỉ hưu; là thanh niên, sinh viên, học sinh tình nguyện làm nhiệm vụ dập dịch trên tuyến đầu. Từ cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn những hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa; nhiều doanh nghiệp lớn đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng gánh vác, sẻ chia cùng Chính phủ; các doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa lúc kinh tế khó khăn vẫn lo ít nhiều cho người lao động. Hàng triệu suất ăn miễn phí, hàng chục cây ATM gạo, hàng vạn chiếc khẩu trang, trang thiết bị chống dịch… của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, đã “đồng cam cộng khổ” cùng nhau chia sẻ khó khăn làm xúc động lòng người. Các nhà báo, nhà thơ, văn nghệ sỹ đã tích cực viết bài, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật… Những bài hát với giai điệu hào hùng vang lên khắp mọi nơi cổ vũ, động viên tinh thần cho cuộc chiến.

Khi Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào ủng hộ Quỹ chống dịch Covid-19 qua điện thoại, hàng chục triệu tin nhắn của cá nhân trong và ngoài nước gửi về, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng… Không thể kể hết được sự hi sinh, những tấm lòng đáng kính trọng, tình đoàn kết của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chính phủ trong cuộc chiến, đã góp phần ngăn chặn đẩy lùi đại dịch; nhân dân ta vui mừng, phấn khởi, thương yêu nhau nhiều hơn; bạn bè khắp năm châu cũng phải nghiêng mình kính phục.

Trong đời sống thường ngày, cũng có rất nhiều những việc làm tự giác của con người, như nhặt được của rơi tìm cách trả lại người mất, giúp đỡ người gặp khó khăn, cơ nhỡ, dọn rác giữ vệ sinh nơi đường phố, xóm làng, giúp đỡ người già, người khuyết tật qua đường, lên xe buýt… là những hành động đẹp và rất cần thiết cho xã hội. Những tấm gương chúng ta được biết thông qua các kênh truyền hình, báo chí hàng ngày làm mọi người trân trọng, thêm tin tưởng vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp và học tập noi theo.

Tháng 4 vừa qua, anh Lư Ngọc Duy bán ve chai ở Quảng Ngãi, một người nghèo khó, bệnh tật, nhưng khi nhặt được 180 triệu đồng và 1,3 cây vàng (trong chiếc tủ sắt cũ mua với giá 20.000 đồng làm sắt vụn) đã tìm mọi cách để trả lại chủ cũ. Chiều ngày 02/5, em Nguyễn Tiến Bắc trong lúc tập thể dục ở bờ biển (Quảng Thọ, Ba Đồn, Quảng Bình), bất ngờ nghe tiếng kêu cứu từ dưới nước vọng lên, không chút do dự Bắc đã lao xuống và đưa được người bị nạn trong tình trạng kiệt sức lên bờ.

Em chia sẻ: “Khi nghe tiếng kêu cứu từ phía biển, em chỉ nghĩ làm sao cứu được người nhanh nhất có thể. Khi đưa được hai người bị nạn lên bờ an toàn và vẫn còn sống, em thấy hạnh phúc và rất vui. Em cho rằng, người khác gặp trường hợp như vậy cũng hành động như em”.

Ngày 04/5/2020, giữa trưa nắng nóng trên đường phố Hà Nội một cô gái thấy cụ ông đi bộ đã dừng xe máy hỏi thăm, khi biết cụ muốn về Lâm Đồng mà không có tiền, cô gái đã nhờ người xe ôm chở cụ ra bến Nước Ngầm và biếu cụ 01 triệu  mua vé xe và tiền uống nước dọc đường. Ông Phan Văn Năm (Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) một cựu chiến binh từng được trao Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, mỗi ngày hai buổi ông tự nguyện đi dọn vệ sinh tại nhiều địa điểm, trên nhiều tuyến đường ở các địa phương trong tỉnh hàng chục năm nay. Tại mỗi điểm, ông dọn vệ sinh từ vài ngày đến vài tuần, tùy theo mức độ môi trường ô nhiễm, cho đến khi sạch rác mới đi chỗ khác. Mấy chục năm qua, cả gia đình cũng đã quen và luôn ủng hộ việc làm tình nguyện của ông. Từ hành động đẹp này, những người dân ở các khu vực ông đến dần dần cũng tự giác trong việc bảo vệ môi trường, nhắc nhở nhau nâng cao ý thức, đổ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định... Nói về việc làm của mình, ông Năm nói: “Tôi không có điều kiện cống hiến việc lớn cho xã hội nên có hành động nhỏ góp chút sức bảo vệ môi trường. Dọn rác cũng là công việc có ích mà tôi làm cho cộng đồng, xã hội”…

Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp về những tấm gương để chúng ta học tập về tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của con người với con người. Xã hội không thể tốt đẹp nếu người ta chỉ nói những điều tốt đẹp mà không có những hành động đẹp. Mỗi người đều có việc phải làm để tồn tại và phát triển. Xong xã hội chỉ văn minh, tiến bộ khi có nhiều người có khả năng tự quản lý mình, tự giác thực hiện trách nhiệm của cá nhân theo yêu cầu của xã hội.

Người tự giác luôn được người khác tôn trọng và chắc chắn họ sẽ thành công trong cuộc sống.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

/chuyen-vu-an-hinh-su-trong-giai-doan-chuan-bi-xet-xu.html