Từ ngày 01/9/2020, mức phạt vi phạm hành chính đến hoạt động công chứng bắt đầu có hiệu lực

18/07/2020 19:11 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.

Theo đó, từ ngày 01/9, các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi  giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng… sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.

Theo đó, từ ngày 01/9, các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng… sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.

Đây là nội dung tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình (HN&GĐ), thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cụ thể, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản để được công chứng hợp đồng;

b) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;

b) Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối nếu:

a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

b) Yêu cầu công chứng hợp đồng giả tạo;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng (hiện hành phạt từ 3 đến 7 triệu đồng);

d) Cản trở hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cũng quy định một số hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 như sau:

a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
 
c) Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
 
d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thoả thuận;
 
đ) Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
 
e) Ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;
 
g) Ghi lời chứng không chính xác về tên hợp đồng, giao dịch; chủ thể hợp đồng, giao dịch; thời gian hoặc địa điểm công chứng;
 
h) Không giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
 
i) Tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, giao dịch mà mình nhận công chứng;
 
k) Không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
 
l) Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng mà không thuộc trường hợp được sửa lỗi kỹ thuật theo quy định;
 
m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp người ký kết hợp đồng, giao dịch không có hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện;
 
n) Công chứng trong trường hợp biết rõ người làm chứng không đủ điều kiện theo quy định;
 
o) Công chứng viên không tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định trong trường hợp có yêu cầu xác minh, giám định của người yêu cầu công chứng;
 
p) Công chứng viên không đối chiếu chữ ký của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác với chữ ký mẫu đã được đăng ký tại tổ chức hành nghề công chứng trước khi thực hiện việc công chứng; công chứng hợp đồng khi người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác chưa đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng mà đã ký trước vào hợp đồng;
 
q) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng riêng, quyền sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch.

LÂM HOÀNG

/hoan-thien-cach-quy-di%cc%a3nh-ve-vi-pham-hanh-chinh-trong-cac-nghi-dinh-cua-chinh-phu.html