Từ quy định cấm đưa thông tin lên MXH của Tổng cục Du lịch: Cần xem xét trách nhiệm người ban hành văn bản trái pháp luật

01/05/2020 17:31 | 3 năm trước

(LSO) - Người ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật thì tùy vào tính chất mức độ của sai phạm, tùy thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý và tùy thuộc vào mức độ hậu quả xảy ra đối với xã hội mà hành vi có thể bị xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 29/4/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-TCDL về việc Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó cấm cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên, khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Quy định này sau đó đã nhận rất nhiều ý kiến phản đối của dư luận, báo chí. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định của Tổng cục Du lịch là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác cũng quy định quyền tự do ngôn luận của công dân, quyền tự do tiếp cận thông tin.

Luật sư Việt Nam Online cũng đã có bài phản ánh kịp thời với nội dung “Việc cấm đưa thông tin dịch bệnh Covid-19 lên mạng xã hội của Tổng cục Du lịch là không phù hợp với quy định pháp luật”.

Ngày 01/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã cấp tốc ký quyết định hủy bỏ quy định trên sau 2 ngày ban hành. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã có văn bản số 474 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại “Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch” ban hành kèm theo Quyết định 473 ngày 29/4/2020.

Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi với Luật sư Việt Nam Online về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Việt Nam không bao giờ bưng bít thông tin về tình hình dịch bệnh. Tất cả được công khai minh bạch để cho người dân biết để phòng ngừa, cảnh giác.

Ông Hòa đánh giá, bất cứ hành động nào nhằm “bưng bít” thông tin tình hình dịch bệnh là một việc làm hết sức “sai lầm”. Việc ban hành những văn bản trái với quy định pháp luật, không đúng thực tế là vấn đề “không nên”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

“Mặc dù anh là một tổ chức của Nhà nước, một tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành hay du lịch hay cái gì đi nữa thì cũng phải rất là rõ ràng, công khai minh bạch, phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là phải chấp hành đúng quy định của các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và gần đây nhất là Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Phải tuân thủ các Chỉ thị đó thì tôi thấy nó mới phù hợp, tại sao lại có những trường hợp lại xảy ra như thế?”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Ông Hòa cũng chỉ ra trách nhiệm của Tổng cục Du lịch trong việc ban hành văn bản, đó là không phải “thích thì ban hành”. Việc ban hành văn bản phải căn cứ vào những quy định pháp luật, ví dụ như văn bản của Tổng cục Du lịch trước tiên phải căn cứ vào nghị định, chỉ thị của Chính phủ, của Thủ tướng Chính Phủ, và hướng dẫn, chỉ thị của Bộ VHTT&DL.

“Còn văn bản anh tùy tiện ban hành như vậy thì tôi cho rằng trước tiên là cá nhân phải chịu trách nhiệm vấn đề sai sót đó. Một vấn đề nữa đó là cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ VHTT&DL cũng phải chịu trách nhiệm về việc anh không có kiểm tra, giám sát để cho cấp dưới ban hành những văn bản trái pháp luật…”, Đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn chỉ ra.

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, người ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật thì tùy vào tính chất mức độ của sai phạm, tùy thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý và tùy thuộc vào mức độ hậu quả xảy ra đối với xã hội mà hành vi có thể bị xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp hậu quả của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật được xác định là chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa có hậu quả xảy ra thì cũng sẽ xem xét đánh giá đến trình độ, năng lực quản lý của người lý văn bản đồng thời đánh giá trình độ năng lực của cán bộ cơ quan tham mưu.

Nhiều cơ quan tham mưu nhưng vẫn để xảy ra sai sót

Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền, trong đó có 66 văn bản đã được xử lý.

Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về năng lực, trình độ cán bộ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như công tác pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc tra cứu, tìm hiểu, xem xét, đối chiếu còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, vẫn có những sai sót trong quản lý dẫn đến việc để cho những cơ quan “họ tùy tiện, họ ban hành những văn bản không đúng để cho người dân, rồi những đối tượng bị tác động đó người ta hoang mang… cách chấp hành của người ta vẫn còn rất là mơ hồ, không biết vì sao mà đúng, không biết tại sao lại sai”.

“Tôi cho rằng đấy là những cái cần phải có một cái sự chấn chỉnh và cần phải có sự kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, thậm chí là phải kiểm điểm trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu để họ không dám, không làm, mà họ phải thực thi đúng theo quy định của pháp luật”, ông Hòa nói.

Để một văn bản được ban hành, theo ông Hòa phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt. Tuy nhiên, vẫn có những văn bản trái quy định pháp luật “lọt lưới”. “Vụ pháp chế của bộ ngành phải kiểm tra, phải giám sát những văn bản mà của bộ ngành, Tổng cục ban hành đó có đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu anh phát hiện sai sót thì phải đề xuất để sửa, để chấn chỉnh. Đồng thời, phải quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu… Chứ không phải Nhà nước giao quyền cho anh rồi anh muốn ban hành văn bản nào thì ban hành…”.

Ông Hòa cũng lấy ví dụ về việc các địa phương thời gian qua “tự đưa ra quy định” về việc xem Hà Nội và TP. HCM là vùng dịch nên ra văn bản tiến hành thu phí cách lý đối với những người trở về địa phương từ hai thành phố này. Các văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo chống dịch chưa có quy định nào vê thu phí cách ly và xem Hà Nội và TP. HCM là vùng dịch. Các địa phương tự ra những quy định sai trái ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và công tác phòng dịch.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo Luật sư Cường, ở Việt Nam chưa có tòa án hiến pháp nên việc xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái với hiến pháp, trái với luật chưa được thực hiện theo thủ tục tố tụng. Hiện nay, việc xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái luật, trái với hiến pháp được xem xét theo thủ tục hành chính và việc xem xét trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

Để giải quyết được tình trạng này thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về pháp luật, về con người, về cơ chế chính sách, về phương tiện vật chất kĩ thuật, về tài chính và các yếu tố khác. Trong trường hợp cần thiết có thể xây dựng tòa án hiến pháp để chuyên trách xem lại tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật.

LÊ HOÀNG

/viec-cam-dua-thong-tin-dich-benh-covid-19-len-mang-xa-hoi-cua-tong-cuc-du-lich-la-khong-phu-hop-voi-quy-dinh-phap-luat.html
/tong-cuc-du-lich-cap-toc-huy-quy-dinh-cam-du-khach-chia-se-thong-tin-ve-dich.html
/du-khach-khong-duoc-chia-se-dua-tin-tren-mang-xa-hoi-ve-dich-tai-co-so-dich-vu-du-lich.html