Từ vụ Đường 'Nhuệ', lộ lỗ hổng trong đấu giá đất ở Thái Bình

26/04/2020 17:26 | 3 năm trước

Không phải đến khi vụ án Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương được Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, những lỗ hổng trong hoạt động đấu giá đất tại Thái Bình mới bộc lộ.

Mở rộng điều tra vụ án băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ”, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) và Trưởng phòng phát triển quỹ đất và kỹ thuật đất đai (Sở TN&MT) cùng 2 thuộc cấp vì liên quan đến những sai phạm trong đấu giá đất.

Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý đấu giá đất tại Thái Bình đã bộc lộ.

Làm giả hồ sơ tham gia đấu giá dự án trăm t

Ngày 2/10/2019, UBND tỉnh ra quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, hủy công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ (TP Thái Bình).

Kèm theo quyết định này, đơn vị trúng đấu giá đất bị sung công quỹ số tiền 44,9 tỉ đồng (tiền đặt cọc đấu giá); bị cơ quan điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Quy hoạch dự án khu đất ở thương mại 7,1 ha tại xã Đông Mỹ (TP Thái Bình).

Theo đó, dự án có quy mô 71.285m2 (hơn 7,1ha) nằm ở vị trí “đất vàng” của tỉnh. Dự án cách trung tâm TP khoảng 3km, gần với quảng trường Thái Bình rộng hàng trăm ha; nằm tiếp giáp 3 mặt tiền trong đó có 2 tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 10 và đường Võ Nguyên Giáp (mới mở) đi qua phường Hoàng Diệu và xã Đông Mỹ.

Ngoài ra, việc Thái Bình đang gấp rút hoàn tất quy hoạch 1/500 để di chuyển Trung tâm hành chính tỉnh về phường Hoàng Diệu, liền kề với dự án nhà ở xã Đông Mỹ càng tăng thêm tính chất đắc địa của dự án.

Trong đó, diện tích đất ở là 29.878m2 gồm 132 lô liền kề; 90 lô biệt thự, nhà vườn; đất nhà ở xã hội là 9.240m2; còn lại là đất cây xanh, đường nội bộ và trường học.

Ở vị trí đất vàng 3 mặt tiền, giá khởi điểm trong cuộc đấu giá lần 1 là 7,5 triệu đồng/m2.

Khu này trước đây là đất nông nghiệp, được UBND TP Thái Bình thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với giá tiền đền bù hơn 68 triệu đồng/sào.

Ngày 26/7/2019, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức đấu giá, có 23/25 hồ sơ đăng ký tham gia đủ tiêu chuẩn; đơn vị tham gia đấu giá nộp số tiền cọc là 44,9 tỷ đồng (tương đương 20% tổng giá trị dự án).

Mức giá khởi điểm là hơn 7,5 triệu đồng/m2. Công ty Bảo Ngọc trúng đấu giá với mức 13,58 triệu đồng/m2.

Ngày 7/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ký quyết định công nhận kết quả đấu giá, chủ đầu tư thực hiện dự án là công ty Bảo Ngọc.

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, DN này chủ động xin được hủy kết quả trúng đấu giá, chấp nhận mất 44,9 tỉ đồng tiền đặt cọc.

Giám đốc bị khởi tố, bỏ cọc 44,9 tỉ đồng

Ngày 2/10/2019 UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định huỷ kết quả đấu giá, huỷ công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án đối với công ty Bảo Ngọc.

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Ngọc Thủy (SN 1978, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của chi nhánh một ngân hàng tại Thái Bình); Nguyễn Thị Hải Hoàn (SN 1990, cán bộ ngân hàng tại Thái Bình) về hành vi “Giả mạo trong công tác”.

Điều tra ban đầu, Thủy và Hoàn đã sửa chữa, nâng khống số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để công ty Bảo Ngọc đủ điều kiện năng lực tài chính tham dự đấu giá.

Quyết định hủy kết quả đấu giá, sung ngân sách 44,9 tỉ đồng đối với nhà đầu tư gian dối trong hồ sơ năng lực.

Công ty Bảo Ngọc có trụ sở tại khu đô thị Trần Lãm, TP Thái Bình, do bà Phạm Thị Liễu đại diện pháp luật, Giám đốc là ông Trần Hữu Huân.

Theo giấy phép kinh doanh, công ty này hoạt động từ ngày 26/4/2019, vốn điều lệ là 20 tỉ đồng.

Ngay trước và sau phiên đấu giá, công ty Bảo Ngọc có sự thay đổi về nhân sự. Ông Huân giữ chức Tổng giám đốc thay bà Liễu; ông Phạm Trường Nam là chủ tịch HĐQT.

CQĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Trường Nam, Trần Hữu Huân về hành vi làm giả hồ sơ đấu giá đất.

"Bờ xôi ruộng mật" của Thái Bình được chuyển đổi thành dự án nhà ở thương mại.

Do không đủ tài chính, công ty Bảo Ngọc đứng ra huy động để có đủ số tiền cọc 44,9 tỉ đồng dưới dạng cùng hùn vốn đầu tư, ăn chia lợi nhuận.

Ngoài ra, Nam và Huân cấu kết với cán bộ ngân hàng kê khống số dư trong tài khoản DN để được tham gia đấu giá.

Những cổ đông góp vốn với Huân và Nam gồm ông Nguyễn Như K. (công ty Lam Sơn 20%), ông Nguyễn Huy T. (40%) và ông Phạm Văn B. (10%).

Theo quy định của UBND tỉnh, sau khi trúng đấu giá, nếu không nộp đủ số tiền dự án trong thời hạn 30 ngày sẽ bị hủy kết quả đấu giá, bị tịch thu tiền đặt cọc sung kho bạc nhà nước.

Không đủ tiền để nộp đúng thời hạn, công ty Bảo Ngọc bị hủy kết quả đấu giá, bị tịch thu số tiền 44,9 tỉ đồng.

Xác nhận với VietNamNet, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết, Công an tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở cung cấp thông tin liên quan tới việc đấu giá dự án đất Đông Mỹ, trong đó có vai trò của Giám đốc Trung tâm đấu giá Phạm Văn Hiệp vừa bị bắt giữ.

THÁI BÌNH/VNN

/vu-duong-nhue-cach-nao-han-che-xa-hoi-den-thau-tom-phien-dau-gia-dat.html