Hà Nội: Bất ngờ với quyết định phê duyệt đền bù tại 60 Đại La của UBND quận Hai Bà Trưng

24/09/2020 00:11 | 3 năm trước

(LSO) – Mặc dù các văn bản pháp lý đều thừa nhận vị trí đất tại số 60 phố Đại La là đất công, thuộc sở hữu của chùa Diệu Nam; và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy hai bản án về tranh chấp thừa kế chùa để xét xử lại, nhưng UBND quận Hai Bà Trưng vẫn ban hành quyết định phê duyệt đền bù cho cá nhân trên diện tích đất chùa Diệu Nam khi thực hiện dự án đường Vành đai II.

Liên quan đến việc phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành văn bản số 3168/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung ký về việc chi trả tiền bồi thường đối với việc thu hồi đất tại địa chỉ số 60, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (chùa Diệu Nam). Trong đó, quyết định chi trả tiền bồi thường cho hộ bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến đối với việc thu hồi đất trên với tổng số tiền gần 44 tỉ đồng.

Việc làm này đã gây bức xúc đối với sư trụ trì và trong giới phật tử của chùa Diệu Nam, bởi chùa là sở hữu chung theo di chúc của 5 sư trụ trì có công lập chùa, và nguồn gốc là đất công nên không thuộc về một cá nhân nào.

Chùa Diệu Nam.

Theo tìm hiểu, chùa Diệu Nam tọa lạc tại số 60, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Chùa được xây dựng năm 1930, do công của các sư cụ: Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An, Sầm Thị Vượng, Ngô Thị Toàn và Đỗ Thị Tỉnh. Ngày 12/12/1957, các cụ Tất, An và Vượng đã cùng nhau lập “Chúc thư” với nội dung “chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố bán chác”.

Bản “Chúc thư” cũng nêu rõ sau khi 5 người có công đầu tiên qua đời ngôi chùa sẽ do 5 người đệ tử kế tiếp trông nom, chăm sóc. Gồm các cụ: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Vỵ, Đinh Thị Bằng, Hoàng Thị Yên và Trịnh Thị Lương.

“Ngoài 5 người ấy ra, con cháu các cháu của chúng tôi không được ai dự quyền vào công việc của chùa”, Chúc thư ghi.

Theo bà Phạm Thị Là, Trụ trì chùa Diệu Nam, chùa là cơ sở tôn giáo do các tu sĩ Nam Tông Minh Sư Đạo xây dựng từ năm 1930, trực thuộc Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo - tổ chức được Nhà nước công nhận tại Quyết định số 196/QĐ-TGCP ngày 01/10/2008.

Được biết, bà Phạm Thị Là (Pháp danh Ngọc Bảo), là Trụ trì chùa Diệu Nam từ năm 2009 theo Đạo lệnh bổ nhiệm chức sắc hành đạo số 32/BTS-ĐL, ngày 28/5/2009 của Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo. Tại Đạo lệnh số 35/BTS-ĐL, ngày 07/11/2009 về việc thành lập Phật đường thì bà Phạm Thị Là là đệ tử duy nhất đời thứ 3 nối nghiệp các Cô Thái tại chùa Diệu Nam.

Nguyên nhân sự việc xuất phát từ tranh chấp vào những năm 1990, khi giữa cụ Lương và cụ Hương xảy ra mâu thuẫn trong quá trình tu tại chùa. Vụ việc được chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần nhưng không được nên cụ Hương đề nghị Tòa án phân chia làm đôi, chia cho bà phần ngoài chùa chính để sử dụng.

Tại bản án cấp sơ thẩm số 21/DSST ngày 08/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng quyết định chấp nhận yêu cầu phân chia chùa Diệu Nam của cụ Nguyễn Thị Hương. Cả hai cụ đều có kháng cáo.

Ngày 07/8/1992, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu ½ chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia để sử dụng chung. Vụ việc sau đó được kháng nghị xem xét theo trình tự tái thẩm.

Đến ngày 09/01/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định Kháng nghị tái thẩm số 01/2020/KNTT-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử tái thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, giải quyết lại từ sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 151/DSPT ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội cho đến khi có quyết định tái thẩm.

Ngày 31/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT, trong đó xác định, chùa Diệu Nam là do 5 vị sư tổ của Giáo hội phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo xây dựng từ năm 1930. Các vị sư tổ đã để lại di chúc với nội dung, ngôi chùa sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố, bán chác. Sau khi các vị sư tổ qua đời thì ngôi chùa sẽ giao 5 người đệ tử trông nom, tu bổ.

Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT.

Cũng tại Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT cho biết, bản án sơ thẩm, phúc thẩm xác định bản di chúc của các cụ có giá trị pháp lý là có căn cứ. Theo nội dung bản di chúc, có đủ căn cứ để xác định ý chí của các cụ là giữ ngôi chùa vĩnh viễn làm nơi thờ cúng và các đệ tử đời sau chỉ được trông nom, gìn giữ, tu bổ… và cũng đã chỉ rõ người quản lý di sản là các đệ tử nối dõi, con cái các cụ cũng không được can dự vào việc quản lý chùa. “Do đó, lẽ ra Tòa án không được phân chia thừa kế chùa Diệu Nam”, Quyết định nêu.

Về nguồn gốc đất, Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT nêu: “Tại Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã xác định về nguồn gốc đất: ‘Thửa đất số 218 và 219, Tờ bản đồ 5H-II-15 (bản đồ lập năm 1996), phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng có nguồn gốc ở vị trí tương đối tại thửa đất số 22, Tờ bản đồ số 38 (bản đồ lập năm 1960) khu Bạch Mai. Theo tài liệu lưu trữ, thửa đất số 22, Tờ bản đồ số 38 (bản đồ lập năm 1960) khu đất Bạch Mai nguyên là đất công chùa Diệu Nam’. Như vậy, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì thửa đất của chùa Diệu Nam đã được xác nhận tại hồ sơ địa chính là đất công chùa Diệu Nam. Tòa án không xem xét, đánh giá để xác định đất của chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa nên vẫn xác định chùa thuộc quyền sở hữu tư nhân và chia thừa kế. Theo kết quả xác nhận của cơ quan quản lý đất đai tại công văn nêu trên thì đất của Chùa Diệu Nam đã là đất công của Chùa từ năm 1960, đây là tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án để xem xét hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục tái thẩm.

Ban Tôn giáo chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đã có các quyết định công nhận tư cách tôn giáo của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo và chùa Diệu Nam là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo tại Hà Nội. Do đó, khi giải quyết lại vụ án Tòa án cần đưa các chủ thể có liên quan này vào tham gia tố tụng để xem xét giải quyết vụ án”.

Từ đó, quyết định: “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 08/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hương với bị đơn là cụ Trịnh Thị Lương. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Mặc dù quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy hai bản án trước đó để xét xử sơ thẩm lại, và các văn bản đều thừa nhận đất chùa Diệu Nam thuộc đất công. Nhưng khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung ký trong đó phê duyệt đền bù cho hộ bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến số tiền 43.848.230.330 đồng.

Quyết định của UBND quận Hai Bà Trưng.

Về trường hợp cá nhân bà Lê Thị Loan, theo Văn bản số 68/BTS-TƯ của Ban Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo ngày 28/10/2019 về việc xác nhận thành phần giáo phẩm của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo Trụ trì chùa Diệu Nam, cho biết: "Bà Lê Thị Loan (pháp danh Thích Đàm Thành) trước đây từng là tu sĩ Minh Sư Đạo có pháp danh Ngọc Tiến, nay đã tự ý cải đạo không còn sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo Minh Sư Đạo tại chùa Diệu Nam... Bà Lê Thị Loan không phải trụ trì chùa Diệu Nam, không thuộc thành phần giáo phẩm do Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo bổ nhiệm, tấn phong, quản lý, vì đã cải qua đạo khác, từ lâu đến nay không còn sinh hoạt tại chùa Diệu Nam... Bà Lê Thị Loan không được quyền quản lý, sử dụng tài sản, không có quyền lợi liên quan đến tài sản của chùa Diệu Nam...".

Văn bản này được gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội; và các ban ngành của TP. Hà Nội như: Ban Tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận Hai Bà Trưng, Ban Quản lý dự án, đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, UBND phường Trương Định…

Trong khi vụ việc đã có quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy hai bản án trước đó để xét xử sơ thẩm lại, và các văn bản đều thừa nhận đất chùa Diệu Nam thuộc đất công, việc UBND quận Hai Bà Trưng do ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải xem xét và ngăn chặn ngay.

Luật sư Việt Nam Online tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc…

PV

/tim-ra-thu-pham-tung-bom-ban-mua-tuyen-sinh.html