UBND TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc xem xét thu hồi Quyết định đền bù thừa kế chùa Diệu Nam tại số 60 phố Đại La của UBND quận Hai Bà Trưng

28/09/2020 00:01 | 3 năm trước

(LSO) – Ngoài việc chính UBND quận Hai Bà Trưng tự thu hồi Quyết định có dấu hiệu trái pháp luật về việc phê duyệt đền bù đối với việc thu hồi đất chùa Diệu Nam thì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có quyền và nghĩa vụ trong việc thu hồi Quyết định này.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 về việc phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi các tài liệu, hồ sơ về đất thuộc chùa Diệu Nam đã được làm sáng tỏ để chứng minh diện tích đất này là đất công thuộc chùa và do chùa Diệu Nam sử dụng, quản lý từ những năm 1960 đến nay. Vì thế, quyết định nêu trên với nội dung phê duyệt bồi thường về đất cho cá nhân là bà Lê Thị Loan là hoàn toàn sai trái.

“Trước hết, UBND quận Hai Bà Trưng cần phải nhanh chóng thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 3168/QĐ-UBND mà Phó Chủ tịch UBND quận đã ký bằng văn bản rõ ràng”, Luật sư Tùng nêu quan điểm.

UBND TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc thu hồi Quyết định đền bù thừa kế chùa Diệu Nam tại số 60 phố Đại La của UBND quận Hai Bà Trưng.

Luật sư Tùng cho rằng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các nghị định hướng dẫn thi hành thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm và thẩm quyền là kiểm tra văn bản của UBND huyện/quận. Cũng theo đó thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền: “1. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp”. Như vậy, ngoài việc chính UBND quận Hai Bà Trưng tự thu hồi quyết định có dấu hiệu trái pháp luật nêu trên thì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có quyền và nghĩa vụ trong việc thu hồi quyết định nêu trên.

Về quy trình ban hành Quyết định, Luật sư Tùng phân tích, đối với sự việc để UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định có dấu hiệu sai trái nêu trên cũng phản ánh một phần quy trình cũng như trách nhiệm thực hiện công vụ của các công chức cán bộ trong cơ quan hành chính và thực hiện nghĩa vụ hành chính còn hạn chế. Việc xác định nguồn gốc đất và giải quyết các tranh chấp liên quan phải đến tận tái thẩm giải quyết và với quyết định tuyên hủy các bản án trước đó. Khi quyết định tái thẩm được tuyên, trách nhiệm tống đạt bản án, quyết định nêu trên về cơ quan quản lý địa phương phải được thực hiện. Quyết định này đã nêu rõ các nội dung liên quan và trách nhiệm của các bên, các cơ quan liên quan.

“Vậy, tại thời điểm này thì chúng ta nên trách ai? Trách phía Tòa án chưa kịp tống đạt văn bản hay bên UBND quận đã quá vội vàng trong việc ký quyết định phê duyệt? Trách rằng UBND quận bỏ mặc các tài liệu, quyết định vẫn ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường hay do chưa xem xét kỹ lưỡng và chưa đánh giá đúng bản chất sự việc? Vậy là trách cán bộ hay trách cơ quan? Vấn đề này cần phải được làm rõ ràng, trách nhiệm của cá nhân hay tập thể. Nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hoàng Tùng nói.

Cần phải bồi thường đúng đối tượng

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Luật Đất đai cũng quy định rõ các đối tượng được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 75 Luật Đất đai, bao gồm các trường hợp sau:

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là một trong các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nếu đủ điều kiện đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Theo Luật sư Cường, trong trường hợp này, cần xác định nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất qua các thời kỳ để xác định đối tượng được bồi thường theo quy định pháp luật. Nếu có căn cứ xác định nguồn gốc đất là đất của chùa Diệu Nam quản lý, sử dụng từ đó đến nay, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải bồi thường cho chùa theo đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Nếu có căn cứ xác định UBND quận bồi thường sai đối tượng thì UBND quận cần có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ Quyết định thu hồi đất, phê duyệt bồi thường sai đối tượng đó và lập phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho đối tượng đủ điều kiện theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Cận, Trưởng Văn phòng Luật sư Như Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Vấn đề đặt ra là hiện nay UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội chưa?. Nếu đã nhận rồi thì UBND quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định thu hồi quyết định đền bù nêu trên. Trong trường hợp UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được bản án tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội mà vẫn không thu hồi quyết định đền bù nêu trên thì cá nhân người ra quyết định đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự”.
Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

PV

/can-thu-hoi-ngay-quyet-dinh-den-bu-thua-ke-chua-dieu-nam-tai-so-60-pho-dai-la-cua-ubnd-quan-hai-ba-trung-ha-noi.html