Vai trò của Luật sư và Nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

16/06/2020 16:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong những năm vừa qua đã thu được những kết quả có ý nghĩa quan trọng, từng bước tạo dựng được niềm tin của người dân, góp phần có hiệu quả vào chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ công chức Nhà nước.

Không phải tự nhiên mà nghề Báo và nghề Luật sư có những điểm tương đồng, làm cơ sở cho mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong thực hiện chức năng xã hội và nghề nghiệp của mình. Theo Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.

Mặt khác, khi thực hiện chức năng của mình, cung cấp thông tin, phản ánh tiến trình tố tụng trong các vụ án tham nhũng..., Nhà báo còn đối diện với những điều cấm của pháp luật. Cụ thể, một trong những điều Nhà báo bị cấm là không được tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án theo quy định tại Điều 9 Luật Báo chí.

Trong điều kiện tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra còn những mặt cản ngại, khó khăn, làm thế nào giải quyết được bài toán giữa việc bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật điều tra, thông tin của khách hàng, với việc bảo đảm quyền được thông tin trung thực, khách quan, toàn diện của vụ án trong mối quan hệ với cơ quan báo chí, với các Nhà báo là một thách thức không nhỏ của mỗi Luật sư.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Điều 9 Luật Luật sư quy định nghiêm cấm Luật sư thực hiện một trong các hành vi là tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; lợi dụng việc hành nghề Luật sư, danh nghĩa Luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quy tắc 12 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đòi hỏi Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đáng chú ý, Quy tắc 26 điều chỉnh quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng, yêu cầu mỗi Luật sư cần phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội. Và một điều rất quan trọng là Luật sư không được sử dụng cơ quan thông tin đại chúng để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia.

Từ nhận thức và khuôn khổ pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp điều chỉnh quá trình hành nghề và mối quan hệ giữa Nhà báo và Luật sư nêu trên nếu được tuân thủ một cách nghiêm túc sẽ góp phần rất lớn trong việc thực thi chức năng xã hội của nghề nghiệp mỗi bên, đồng thời còn giúp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có được sự phản biện đúng đắn, thông tin nhiều chiều, khách quan và trung thực. Thực tế đã chứng minh, từ sự phát hiện của báo chí, nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, tiến trình điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, được thông tin đầy đủ.

Thông qua việc theo dõi, kịp thời phản ánh diễn biến các phiên toà dân chủ, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức được nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, các tình tiết sự thật khách quan, từ đó tìm ra các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu. Có thể nói, từ thực tiễn quá trình tham gia tố tụng trong các vụ án tham nhũng, mối quan hệ tương hỗ, phân định rành mạch chức năng, thái độ ứng xử chuẩn mực giữa các Nhà báo với các Luật sư là một kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống và hành nghề của mỗi bên.

Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, đặc biệt là khi tham gia các vụ án tham nhũng, có một vấn đề khá nhạy cảm, đang còn nhiều ý kiến khác nhau, rất cần có sự đồng thuận trong nhận thức vì nó liên quan đến thông tin và truyền thông. Đó chính là giải quyết bài toán giữa trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng với bổn phận phải tố giác tội phạm của một công dân khi biết rõ khách hàng của mình phạm tội. Nếu chưa có sự xác minh, thẩm tra, đánh giá thì rất khó có căn cứ để xác định những thông tin mà khách hàng tiết lộ là đúng sự thật hay không. Việc quy định xử lý trách nhiệm hình sự của người bào chữa như tại dự thảo khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) rất dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng để xử lý người bào chữa, đặc biệt trong tình trạng hiện nay, có trường hợp một số cơ quan, người tiến hành tố tụng không muốn người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự khi quan điểm bào chữa khác biệt hoặc ngược lại với quan điểm buộc tội...

Những góp ý nêu trên nếu được chấp nhận sẽ giúp cho quá trình hành nghề của Luật sư bớt đi những rủi ro, nhưng đồng thời cũng nêu cao trách nhiệm pháp lý và đạo đức nghề nghiệp, liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về thông tin tội phạm tham nhũng, có mối quan hệ với xử lý tin báo, tố giác tội phạm của cơ quan báo chí, Nhà báo.

Luật sư, Tiến sĩ PHAN TRUNG HOÀI

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

/hoi-thao-boi-duong-nghiep-vu-luat-su-tai-ha-nam.html