Vấn đề giải quyết quyền lợi cho người lao động nếu doanh nghiệp phá sản

12/11/2020 01:21 | 3 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng dẫn tới phá sản không phải hiếm gặp, đặc biệt trong năm 2020 dưới tác động của Covid-19. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết quyền lợi của người lao động nếu doanh nghiệp phá sản đang rất được quan tâm.

Ảnh minh họa.

Hợp đồng lao động bị chấm dứt do công ty phá sản

Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 giải thích về phá sản thì phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Một trong những nội dung bắt buộc của quyết định tuyên bố phá sản là việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động chấm dứt khi người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, cùng với việc công ty bị tuyên bố phá sản thì hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng sẽ chấm dứt.

Người lao động được ưu tiên giải quyết quyền lợi khi công ty phá sản

Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán.

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014.

Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Với quy định này, người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán thứ hai sau khi đã chi trả chi phí phá sản. Tuy nhiên, nếu sau khi thanh lý hết tài sản của doanh nghiệp mà chỉ đủ hoặc thậm chí không đủ trả chi phí phá sản thì người lao động sẽ không nhận được bất cứ khoản thanh toán nào.

Như đã phân tích ở trên, việc công ty phá sản là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, do đó, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.

Do người lao động được ưu tiên thanh toán thứ hai nên nếu sau khi trả chi phí phá sản, doanh nghiệp vẫn có đủ khả năng thanh toán thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:

Được thanh toán tiền lương cho những ngày làm việc chưa thanh toán

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp doanh nghiệp phá sản có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, công ty phải có trách nhiệm chi trả tiền lương lao động theo thời gian làm việc thực tế chưa được thanh toán lương trong thời gian quy định.

Được hưởng trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được người sử lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trừ trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu.

Với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Cụ thể:

Tiền trợ cấp thôi việc=1/2xTiền lương để tính trợ cấp thôi việcxThời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Được thanh toán các loại bảo hiểm và các khoản lợi ích khác

Ngoài việc được trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, doanh nghiệp còn phải thanh toán các loại bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cùng những khoản lợi ích khác cho người lao động theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký.

Về trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. 

YÊN CHI

/chung-song-truoc-khi-ket-hon-co-pham-luat-khong.html