(LSVN) - Luật sư cho biết, nếu nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra là do cơ sở kinh doanh karaoke đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ thì chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" (Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương.
Liên quan vụ cháy quán karaoke An Phú làm 32 người tử vong, ở phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm phòng cháy, chữa cháy” để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke An Phú là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, chỉ đứng sau vụ cháy tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2002.
Từ vụ việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ việc cháy quán karaoke làm chết nhiều người. Vậy, tại sao tình trạng cháy quán karaoke lại hay xảy ra? Trách nhiệm thuộc về những cá nhân, cơ quan, tổ chức nào? Biện pháp xử lý tình trạng này như thế nào? Và cần kiến nghị những gì để hạn chế tình trạng cháy quán karaoke?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, thực tế thấy rằng ngay từ việc thiết kế quán karaoke đã sử dụng rất nhiều thiết bị, đồ dùng có nguy cơ cháy nổ cao như: hệ thống cách âm, hệ thống điện chằng chịt, hệ thống ánh sáng và sàn nhà, ghế sofa… Chưa kể trong quá trình khách đến hát luôn trong tình trạng nồng độ cồn cao, lại hút thuốc lá, dùng nến, lửa, rượu… đây đều là những nguồn, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Nhất là lúc cao điểm, khi các thiết bị điện vận hành hết công suất, người ra vào nhiều, ý thức người hát kém thì càng có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Trong khi đó, các trang thiết bị về PCCC của quán thiếu hay hoạt động không hiệu quả, nhân sự cũng không có kinh nghiệm gì khi xử lý cháy nổ, lối đi nhỏ, lại chất rất nhiều chất dễ cháy…
Đối với hoạt động kinh doanh karaoke, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, cần tạm dừng toàn bộ các quán kinh doanh karaoke để thanh tra, kiểm tra xem cơ sở đảm bảo an toàn về PCCC hay không? Nếu không đủ điều kiện có thể tước giấy phép hoạt động. Đưa hoạt động kinh doanh karaoke vào ngành nghề nguy cơ đặc biệt về PCCC để có những biện pháp phù hợp để tập huấn, yêu cầu kĩ thuật, thanh tranh kiểm tra định kì về PCCC…
Cùng với đó, cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật cho quán karaoke. Cụ thể, bắt buộc diện tích tối thiểu, thiết kế hành lang rộng, phòng hát tối thiểu, có hệ thống PCCC tự động, có cảnh báo cháy và phun nước tự động, các tầng đều phải có lối thoát hiểm riêng ra bên ngoài, và bắt buộc lắp đặt các thiết bị PCCC riêng từng phòng, tầng.
“Bắt buộc tập huấn về PCCC định kì cho toàn bộ nhân viên của quán, cũng cần thanh tra kiểm tra, đánh giá về tình trạng ứng phó PCCC, thiết bị PCCC của quán theo định kì. Cần “quy hoạch riêng” địa điểm tập trung, đặt các quán hát Karaoke, không được tiếp xúc trực tiếp nhà dân, không nằm trong khu dân cư đông đúc. Cần thắt chặt hơn nữa việc phê duyệt phương án PCCC cho các quán Karaoke của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Luật sư cho biết.
Có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ cháy này, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh kraraoke và những người có liên quan như thế nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra.
Theo đó, nếu nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra là do cơ sở kinh doanh karaoke đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ thì chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" (Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm.
Với hậu quả làm hơn 30 người chết thì nếu bị kết án về tội danh này, người phạm tội sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là “làm chết 03 người trở lên”, với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khoản 3, Điều 314, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, nếu bị kết luận có lỗi gây ra vụ cháy thì chủ cơ sở kinh doanh karaoke này còn có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho các nạn nhân theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590 và Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.
Trách nhiệm còn thuộc về cơ quan chức năng
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật thì kinh doanh dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng, chống cháy nổ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, thì cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép hoạt động, và phải duy trì các điều kiện này trong suốt thời gian hoạt động. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các cơ sở kinh doanh karaoke cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Theo quy định tại Mục 5, Phục lục III (kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ) thì “cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 03 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000m3 trở lên” sẽ thuộc danh mục các cơ sở do cơ quan Công an quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
Tại Điều 9 và Điều 10, Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Trưởng Bộ Công quy định: “Cơ quan Công an thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 83/2017/NĐ-CP)".
Và Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm “hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, tại điểm d, khoản 3 Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ cũng quy định: “Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều này trong phạm vi quản lý của mình”.
Đối chiếu với các quy định trên thì trách nhiệm quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (nếu có) trước hết thuộc về cơ quan Công an quản lý về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương, Tiếp đó, là trách nhiệm phối hợp, kiểm tra của UBND địa phương theo quy định của pháp luật.
Nếu nguyên nhân của vụ cháy là do cơ sở kinh doanh karaoke An Phú đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định, không đủ điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ, và các cơ quan quản lý đã không kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng định của pháp luật thì cũng cần phải xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan và những người có trách nhiệm quản lý công tác phòng chống cháy nổ tại địa phương.
Nếu có các dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc tiêu cực, cố tình bỏ lọt sai phạm, thì cần phải được điều tra, kiểm tra, xác minh, làm rõ và kịp thời xử lý, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Với hậu quả làm 32 người chết thì đây là vụ việc hết sức thương tâm, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, để xử lý nghiêm minh các sai phạm (nếu có), cũng như bảo đảm các quyền lợi hợp pháp cho các nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Cần siết chặt hơn nữa các quy định về điều kiện và biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ
Cùng liên quan đến vấn đề trên, ngày 10/9, Công an TP. Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke. Trong đó, có đến 58% cơ sở karaoke tại Hà Nội không đạt yêu cầu về PCCC.
Cụ thể, tính từ giữa tháng 08/2022 đến nay, các đơn vị thuộc Công an TP. Hà Nội đã tạm đình chỉ 27 cơ sở karaoke, xử phạt số tiền lên đến 01 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong tổng số 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bản TP. Hà Nội có đến 58% số cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn PCCC. Trong số này có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện, nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Trước đó, chiều ngày 09/9, tại cuộc họp báo của UBND TP. Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, vẫn còn nhiều quán karaoke trên địa bàn dù không đủ điều kiện, nhưng vẫn lén lút hoạt động.
Trước thực trạng này, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị thuộc TP khẩn trương, tích cực hoàn thành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường… trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; quyết liệt xử lý nghiêm, triệt để tất các vi phạm; tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện về PCCC theo quy định.
Trường hợp để xảy ra việc cơ sở kinh doanh không đủ tiêu chuẩn cố tình đưa vào hoạt động, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có biện pháp mạnh theo quy định pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố. Đối với những cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, kiên quyết yêu cầu chủ hộ kinh doanh không được hoạt động để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người và tài sản như thời gian vừa qua…
Theo Luật sư, vụ việc trên hay như những vụ cháy xảy ra gần đây tại các cơ sở kinh doanh karaoke đã gây ra những thiệt hại rất lớn về người và tài sản, điển hình như vụ cháy tại cơ sở karaoke tại số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội khiến 13 người chết (tháng 11/2016) và vụ cháy quán karaoke trên phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã khiến 03 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh (tháng 08/2022)...
Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu và đánh giá, để kịp thời hoàn thiện, siết chặt hơn nữa các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về điều kiện và biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và giám sát, để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, hạn chế đến mức tối đa những vi phạm và các sự cố cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
QUÝ NGUYỄN
Vụ môi giới mại dâm liên quan đến giới showbiz: Những người mua dâm bị xử lý thế nào?