Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Thanh Hóa: Bài 3: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm (?)

21/08/2019 15:43 | 4 năm trước

LSVNO - Trong đường dây chạy việc vào ngành công an, công chức bị can Trần Thị Duyên chỉ bị khởi tố với 05 gia đình bị hại, tổng số tiền 850 triệu đồng, còn 17 trường hợp, tương đương số tiền...

LSVNO - Trong đường dây chạy việc vào ngành công an, công chức bị can Trần Thị Duyên chỉ bị khởi tố với 05 gia đình bị hại, tổng số tiền 850 triệu đồng, còn 17 trường hợp, tương đương số tiền 3,69 tỷ đồng ai đang giữ, trách nhiệm thuộc về ai?. Ngoài ra, theo lời khai của bị can Duyên còn nhiều đối tượng khác có vai trò “then chốt” lại không bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố.

Như đã phản ánh, trong đường dây chạy việc vào ngành công an, công chức cho 61 trường hợp xin vào ngành công an, công chức giá trị gần 10 tỷ đồng, bị can Trần Thị Duyên (tại thôn Cống Trúc, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị Công an tỉnh Thanh Hóa truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khởi tố bị can chưa đúng với bản chất vụ việc

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với bà Lê Thị Ngọc (SN 1952, trú tại Thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), bị can Trần Thị Duyên đã nói với bà Ngọc có mối quan hệ rộng có thể xin việc, xin học ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Do vậy, từ năm 2012 đến 2015, bà Lê Thị Ngọc đứng ra nhận giúp tiền của các cá nhân thân quen có nhu cầu rồi đưa cho đối tượng Trần Thị Duyên. Khi nhận số tiền từ người quen, bà Ngọc đã chuyển toàn bộ số tiền được ủy thác cho Duyên.

Tuy nhiên, theo Cáo trạng số 22/CT-VKS-TA, ngày 11/5/2017 của VKSND tỉnh Thanh Hóa lại chỉ xác định bị can Trần Thị Duyên đã lừa đảo của 05 gia đình bị hại (tương ứng với 7 trường hợp) với tổng số tiền 850 triệu đồng, gồm các gia đình: bà Bùi Thị Thanh 80 triệu đồng; ông Trịnh Minh Tuyến 230 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Hồng 80 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Nguyệt 300 triệu đồng; bà Lê Thị Ngọc 160 triệu đồng.

 Bà Lê Thị Ngọc – người được các gia đình có nhu cầu xin việc nhờ cầm tiền rồi đưa cho bị can Trần Thị Duyên. Hơn nữa, bà Lê Thị Ngọc cũng bị bị can Duyên lừa với số tiền 160 triệu đồng vì muốn xin việc cho con.

Hành vi phạm tội của bị can Duyên thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhiều lần xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Do vậy, VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố bị can Trần Thị Duyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Vấn đề đặt ra, còn tới 17 trường hợp xin việc vào ngành công an, công chức với số tiền 3,69 tỷ đồng thì ai đang giữ, trách nhiệm thuộc về ai?

Trong vụ án này, 61 trường hợp xin vào ngành công an, công chức (trong đó, có 47 trường hợp xin vào công an và 14 trường hợp xin vào công chức) với số tiền lên đến 9,265 tỷ đồng. Sau đó, do phải chờ đợi quá lâu, có 29 trường hợp xin rút nên bà Ngọc đã trả lại số tiền 2,98 tỷ đồng, còn 6,285 tỷ đồng bị can Duyên giữ. Tất cả số tiền này, bà Ngọc đã đưa cho bị can Duyên để chạy việc.

Theo hồ sơ, bị can Duyên đã trả lại số tiền 1.745.000.000 đồng. Như vậy, Duyên còn cầm số tiền 4,540 tỷ đồng tương đương với 24 trường hợp (có đầy đủ giấy viết tay do Duyên ký nhận từ bà Ngọc dưới hình thức vay tiền).

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa lại chỉ truy tố bị can Trần Thị Duyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền 850 triệu đồng, tương đương với 7 trường hợp xin việc?.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Ngọc cho biết: “Tôi đã đưa đủ chứng cứ chứng minh cho hành vi lừa đảo của bà Duyên, nhưng đồng chí Điều tra viên Hoàng Minh Dương (thuộc CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa – PV) đã cố tình làm sai lệch vụ án khi cho rằng chỉ đủ tài liệu chứng minh Trần Thị Duyên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 850.000.000 đồng của 7 trường hợp, tương đương 5 gia đình bị hại”.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Theo lời khai của bị can Trần Thị Duyên thì trong đường dây này còn nhiều đối tượng khác đã cầm hồ sơ, tiền của các trường hợp muốn xin việc, cụ thể:

Tại bút lục 264, 267, 274, 278 bị can Trần Thị Duyên khai sau khi nhận tiền của 05 bị hại trên, Duyên đã đưa hồ sơ và toàn bộ số tiền nhận được cho ông Lê Tuấn Anh (SN 1966, phố Thành Trại, Quảng Thành, Thanh Hóa) nhờ xin việc giúp,...

 

Cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Duyên với số tiền 850.000.000 đồng của VKSND tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu chưa đúng bản chất và bỏ lọt tội phạm.

Cũng theo bà Lê Thị Ngọc thì “trong đường dây chạy việc này còn xuất hiện đối tượng được cho là mấu chốt của vụ án là ông Lê Anh Tuấn và người tên Thúy, hiện 02 người này đang công tác tại Công an TP. Thanh Hóa. Ông Tuấn đã “cấu kết” với đối tượng Trần Thị Duyên thành lập đường dây xin việc vào ngành công an và công chức. Đối tượng Duyên đã nhận đưa cho ông Tuấn 2 tỷ đồng để lo chạy việc”.

Trong biên bản về việc nghe và lược dịch file ghi âm, ngày 07/9/2016 của Phòng PC44, Công an tỉnh Thanh Hóa có xác nhận của Điều tra viên Hoàng Minh Dương cũng có nhắc đến “đối tượng Duyên đã gặp và bàn bạc với ông Tuấn”.

Thế nhưng, Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) lại xác minh không ai tên là Lê Anh Tuấn như bị cáo Duyên khai và bà Ngọc cho biết, mà chỉ truy tố một mình bị can Duyên khiến dư luận tỏ ra lấy làm lạ, bức xúc!

Cũng theo cáo trạng, đối tượng Lê Đình Bình (chồng của bị can Duyên) và đối tượng Lê Văn Đàm (SN 1961, tại phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) đều liên quan đến việc đưa các trường hợp xin việc khám sức khỏe tại Bệnh xá Công an tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, đối tượng Lê Đình Bình có 2 lần đưa, đón các cá nhân có nhu cầu xin việc đến Bệnh xá công an tỉnh để khám sức khỏe. Nhưng tài liệu điều tra lại thể hiện đối tượng Bình không biết, không tham gia vào quá trình tổ chức xin việc. Còn đối tượng Lê Văn Đàm ngoài việc đưa cá nhân xin việc đi khám sức khỏe còn liên quan đến việc nhận 20 triệu đồng từ bị can Duyên khi xin việc cho con bà Nguyễn Thị Bích Lan (Yên Định, Thanh Hóa). Thế nhưng, 02 đối tượng này không bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa khởi tố.

Mặt khác, trong hồ sơ xin việc vào công an mà bị can Duyên đưa cho các trường hợp xin việc có ghi dòng chữ “lưu hành nội bộ” (01 bộ hồ sơ bị can Duyên lấy 20 triệu đồng – bà Ngọc cho biết). Dư luận thắc mắc nếu không có “chân trong” trợ giúp hành vi của bị can Duyên thì các hồ sơ này sẽ được lấy từ đâu?

Trước hàng loạt dấu hiệu bất thường trên, PV đã nhiều lần liên hệ với Công an tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu sự việc, nhưng đều bị “khước từ” với lý do “lãnh đạo đang bận đi khắc phục hậu quả của cơn bão số 3”.

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!

Đoàn Vĩnh

Ngày 19/4/2016, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 47/PC44 khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Trần Thị Duyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Ngày 11/5/2017 cáo trạng số 22/CT-VKS-TA của VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố bị can Trần Thị Duyên đã lừa đảo của 05 gia đình bị hại (tương ứng với 7 trường hợp) với tổng số tiền 850 triệu đồng.

Ngày 08/9/2017, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can Trần Thị Duyên.

Ngày 25/6/2019, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định về việc phục hồi điều tra vụ án và quyết định phục hồi điều tra bị can Trần Thị Duyên.

Đến ngày 22/7/2019, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa có Thông báo về việc kết thúc điều tra vụ án hình sự, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh Thanh Hóa.

Hiện vụ việc đang được VKSND tỉnh Thanh Hóa củng cố hồ sơ.

Nhân thân bị can Trần Thị Duyên, ngày 27/10/2014, TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt số tiền 10 triệu đồng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.