Vụ Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP. Thanh Hoá bị đầu độc: Xử lý thế nào khi nghi phạm chết?

22/04/2020 18:48 | 4 năm trước

(LSO) - Trong trường hợp vụ án có một bị can duy nhất và đã chết, không có đồng phạm khác, không có người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự này. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo nguyên tắc mà Bộ luật Dân sự đã quy định. Theo đó, người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Trường hợp người gây thiệt hại cho người khác đã chết và có để lại tài sản thì những người thừa kế của người chết đó sẽ phải thay mặt người chết thực hiện nghĩa vụ với những người bị hại và đại diện của người bị hại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tiệm vàng nơi gia đình ông Minh bà Phương sinh sống.

Liên quan đến vụ việc Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP. Thanh Hoá bị đầu độc. Công an lấy mẫu rượu tại Công ty Á Âu đã được mọi người uống trưa ngày 20/4 trong bữa cơm để đưa đi giám định thì kết quả trong rượu có chất độc cyanua.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, ông Trần Xuân Minh làm nghề kinh doanh chế tác vàng, vợ là Lê Thị Phương làm nghề môi giới bất động sản. Gần đây, giữa 2 vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn do kinh doanh thua lỗ và ông Minh nghi ngờ chị Phương cặp bồ. Không ít lần ông Minh dọa giết bà Phương sau đó tự sát.

Khoảng 12h20 ngày 20/4, tại Công ty Á Âu có 6 người cùng ăn trưa uống rượu là: ông Đặng Phạm Viên, Chi cục Trưởng chi Cục thi hành án Dân sự TP. Thanh Hóa; ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Á Âu; ông Lê Chiến Thắng, trú tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa; bà Lê Thị Hòa, trú ở phường Ba Đình TP. Thanh Hóa; bà Trương Thị Xuyến, ở đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa và bà Lê Thị Phương. Trong bữa ăn, ông Viên, ông Thọ, bà Xuyến uống rượu trước và một lát sau có dấu hiệu của trúng độc. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, ông Viên chết ngay sau đó, bà Xuyến nhấp môi nên bị nhẹ, ông Thọ nôn được ra ngoài.

Theo nhận định ban đầu, do mâu thuẫn vợ chồng nên ông Minh nảy sinh ý định đầu độc bà Phương cùng mọi người ở Công ty Á Âu. Sau khi bị phát hiện ông Minh đã uống chất độc để tự sát.

Ngày 22/4, theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 nạn nhân ông Thọ và bà Xuyến sức khỏe ổn định đã xuất viện. Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “Giết người” để điều tra làm rõ.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), có thể nói rằng đây là một vụ án mạng đau lòng và rất tàn nhẫn của đối tượng gây án. Cũng giống như vụ án đầu độc tại Thái Bình năm 2019, vụ án này đối tượng cũng sử dụng hóa chất kịch độc là cyanua. Có lẽ khi có ý định gây án bằng chất độc cyanua thì đối tượng biết rõ tính chất nguy hại của loại hóa chất độc hại này. Ông Minh là người làm nghề kinh doanh và chế tác vàng bạc nên có sử dụng và biết rõ tính năng hóa học của loại chất kịch độc này. Vậy mà ông ta vẫn tàn nhẫn sử dụng chất độc này với mục đích giết hại nhiều người, chỉ vì ghen tuông, mâu thuẫn với vợ mình.

Khi xác định chất độc mà các nạn nhân đã bị trúng độc do uống rượu mà ông Minh mang đến là cyanua, thêm vào đó là mâu thuẫn căng thẳng giữa hai vợ chồng là bà Phương và ông Minh thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra vụ án là cần thiết và có căn cứ.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi và vai trò của bà Phương trong vụ án này. Nếu bà Phương chỉ là nạn nhân, may mắn thoát chết thì sẽ không bị xử lý. Còn nếu bà Phương biết đó là rượu có chất độc nhưng vẫn rót cho mọi người uống thì bà Phương sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm về tội giết người. Tuy nhiên, với thông tin ban đầu là trước đó ông Minh và bà Phương nhiều lần mâu thuẫn, ông Minh đã từng dọa giết bà Phương do ghen tuông, rượu là do ông Minh mang đến, bởi vậy rất có thể bà Phương sẽ "vô can".

Theo Luật sư Cường trong trường hợp vụ án có một bị can duy nhất và đã chết, không có đồng phạm khác, không có người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự này.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo nguyên tắc mà Bộ luật Dân sự đã quy định, theo đó người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Trường hợp người gây thiệt hại cho người khác đã chết và có để lại tài sản thì những người thừa kế của người chết đó sẽ phải thay mặt người chết thực hiện nghĩa vụ với những người bị hại và đại diện của người bị hại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Thiệt hại được tính với 3 nạn nhân trúng độc bao gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền công người chăm sóc trong quá trình điều trị, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Đối với người thiệt mạng thì ngoài các khoản tiền nêu trên thì còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào thiệt hại thực tế và khả năng của người gây thiệt hại đối với tổng giá trị di sản để lại, cụ thể như sau:

- Khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

- Khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 591 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, nếu ông Minh được xác định là người đầu độc các nạn nhân mà ông Minh đã chết, không còn đồng phạm khác, không còn ai phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án này. Còn về trách nhiệm dân sự thì những người bị hại và đại diện gia đình người bị hại đã chết có thể thương lượng với bà Phương và các con ông Minh về việc lấy tài sản của ông Minh để lại để bồi thường, nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường và phương thức bồi thường thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

THANH LOAN

/chi-cuc-truong-thi-hanh-an-dan-su-tp-thanh-hoa-bi-dau-doc-bang-cyanua.html