Vụ Đỗ Văn Minh 'giết người đốt xác': Đối tượng có được hưởng tiền bảo hiểm?

12/05/2020 22:30 | 3 năm trước

(LSO) - Hành vi giả chết để lấy được tiền bảo hiểm không phải là lần đầu, đã có nhiều vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, hành vi giả chết để lấy tiền bảo hiểm từ công ty bảo hiểm bản chất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Đắk Nông thông tin, khoảng 05h sáng 04/5, tại Km 146+300 thuộc bon B’Nơ, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông người dân phát hiện xe ô tô bán tải BKS 51C-715.70 bị cháy, bên trong có một thi thể người bị cháy không còn nguyên vẹn.

Tiếp nhận thông tin, Công an Đắk Nông khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để truy tìm tung tích nạn nhân.

Căn cứ kết quả giám định và thông tin thu thập, công an xác định nạn nhân là anh Trần Nho Vương (SN 1995, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Chủ nhân chiếc xe ô tô bị cháy là của ông Đỗ Văn Minh (SN 1971, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Đối tượng Đỗ Văn Minh.

Ngày 04/5, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời xác lập chuyên án, huy động lực lượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra.

Ngày 10/5, Công an Đắk Nông đã điều tra khám phá vụ án, tiến hành bắt giữ thủ phạm gây án là đối tượng Đỗ Văn Minh, đang lẩn trốn tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Tại cơ quan Công an, Đỗ Văn Minh khai nhận là thủ phạm thực hiện hành vi giết anh Trần Nho Vương.

Sau khi ra tay sát hại anh Vương, đối tượng Minh tạo hiện trường giả bằng cách đưa nạn nhân lên xe ô tô đốt xác phi tang.

Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Đắk Nông cho thấy, vì nợ khoảng 10 tỷ đồng nên ông Minh mua gói bảo hiểm, đóng mức phí trên 200 triệu đồng/năm và được bảo vệ lên đến 18 tỷ đồng, nếu xảy ra rủi ro về tính mạng và sức khỏe.

Minh lên kế hoạch đào mộ tìm xác người ở nghĩa trang xã Quảng Khê để ngụy tạo hiện trường giả, thay thế mình, nhưng bất thành. Tiếp đó, ra tay sát hại cháu vợ (anh Trần Nho Vương) rồi đốt xác thế thân với âm mưu trục lợi bảo hiểm.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đối với các vụ việc, sự việc cố tình làm giả, gây thương tích cho người khác và thậm chí là giết người để lấy tiền bảo hiểm thì đây là hành vi vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng.

Đối với hành vi giả chết hiện nay chưa có quy định về xử lý việc này. Tuy nhiên, nếu hành vi giả chết này nhằm các mục đích trái với quy định của pháp luật, xâm phạm quyền lợi của người khác thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với vụ việc Bí thư xã giết cháu, sau đó dùng xác của nạn nhân tạo dựng hiện trường giả để giả chết cho mình thì sự việc này đã có hành vi giết người và sẽ bị xử lý về hành vi giết người.

Hiện trường vụ việc.

Đối với trường hợp giả chết của ông Minh thì có được hưởng tiền bảo hiểm không? Luật sư Tùng cho biết, trước tiên cần phải căn cứ vào hợp đồng mua bảo hiểm được ký kết giữa người mua và công ty kinh doanh bảo hiểm để làm căn cứ xác định các quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Tuy nhiên, các công ty kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói chung như trong vụ việc trên thường đã có các quy định về việc chi trả tiền bảo hiểm cho sự kiện “chết” của người mua bảo hiểm.

Theo đó, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ không được thực hiện chi trả một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Bảo hiểm và đã được nêu rõ trong điều khoản của sản phẩm, hợp đồng. Bao gồm các trường hợp tử vong do sử dụng ma túy, chất kích thích, chất có cồn, gây nghiện...; các trường hợp vi phạm pháp luật như tham gia hoặc thực hiện các hoạt động trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Hành vi giả chết để lấy được tiền bảo hiểm không phải là lần đầu, đã có nhiều vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, hành vi giả chết để lấy tiền bảo hiểm từ công ty bảo hiểm bản chất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Tùng phân tích, mục đích chiếm đoạt tài sản đã rõ ràng, có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của công ty bảo hiểm. Hành vi này là phạm pháp, vì thế đối với những người có ý định thực hiện các hành vi lừa đảo để lấy tiền bảo hiểm thì cần phải dẹp bỏ ngay. Bởi khi đã thực hiện một hành vi khách quan thì chắc chắn sẽ để lại dấu vết khách quan trên thực tế, và từ đó sẽ tìm ra được sự thật. Đối với các công ty kinh doanh bảo hiểm thì cũng cần phải quy định cụ thể, rõ ràng các quyền lợi của người mua bảo hiểm trong mọi trường hợp để tránh tình trạng hiểu lầm, hiểu sai dẫn đến hành vi sai trái.

LÊ MINH

/viec-thi-hanh-ky-luat-can-bo-lien-quan-den-vu-nang-diem-tai-ha-giang-con-nhe.html