Vụ 'nâng khống' giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai: Cần phải xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan

18/09/2020 06:06 | 3 năm trước

(LSO) - Hành vi nâng khống giá thiết bị y tế rồi trục lợi từ bệnh nhân không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân với cơ sở y tế khám chữa bệnh. Đây là hành vi đáng lên án, trục lợi ngay trên chính nỗi đau của người bệnh. Vì vậy, cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra, rà soát toàn bộ thiết bị xã hội hóa, nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm minh. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm trách nhiệm, không chỉ của người trục lợi, mà cả những người buông lỏng kiểm tra, giám sát.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc "nâng khống" giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai. Cụ thể, ngày 01/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra bước đầu, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỉ đồng (bao gồm cả VAT). Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng khống giá lên 39 tỉ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó thì người bệnh sẽ phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca. Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỉ đồng.

Đánh giá về hành vi trong vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ, theo thông tin điều tra ban đầu thì một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) đã có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt của các bệnh nhân điều trị số tiền hàng tỷ đồng.

Hiện nay một số bị can đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Để xử lý những người liên quan trong vụ án này, Cơ quan điều tra phải xác định được số tiền chính xác mà các bệnh nhân bị "móc túi" khi sử dụng các thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp hành vi của các bị can có dấu hiệu phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có giá trị trên 500 triệu đồng thì các bị can trong vụ án có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 BLHS.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, trong vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giải quyết đồng thời vấn đề dân sự, bảo vệ người bị hại. Tòa án sẽ buộc cá nhân, cơ quan tổ chức chiếm đoạt có trách nhiệm trả lại tài sản cho những bệnh nhân điều trị đã thanh toán.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư Cường, thời gian gần đây có nhiều vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế đã bị phát hiện, điều tra và khởi tố khiến dư luận rất bất bình. Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ các trường hợp phải lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, trong đó có việc mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn Nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập. Chính vì thế, việc mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập phải tuân theo Luật Đấu thầu, không có trường hợp ngoại lệ.

Trước khi mua sắm thiết bị y tế, chủ đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thiết bị định mua, so sánh giá giữa các nhà cung cấp với thiết bị tương tự. Tuy nhiên việc so sánh, xác định giá lại là kẽ hở để nhiều đối tượng trục lợi, từ việc nhà thầu bán giá cao đến người thẩm định cố ý nâng giá sản phẩm. Thiết bị y tế là mặt hàng có những thiết bị đặc chủng, không dễ dàng so sánh, tìm hiểu được giá cả. Do đó, việc thẩm định giá sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường,
Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp
.

Luật sư Cường đánh giá, thực tế hiện nay từ khâu quản lý, cấp phép chứng chỉ cho các thẩm định viên còn khá lỏng lẻo, dễ dãi, bên cạnh đó đạo đức nghề nghiệp của nhiều người không cao; năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm yếu kém nên các thẩm định viên vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân. Kể cả trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai thì có thể thấy việc “thổi giá” rất dễ dàng thực hiện. Điều này chắc chắn có một phần nguyên nhân do những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, hiện nay việc xã hội hóa y tế là cần thiết nhưng mặt trái của nó sẽ xảy ra nhiều vấn đề lạm dụng liên quan đến đấu thầu, đầu tư, phân chia lợi nhuận, giá thành… nếu công tác quản lý của bệnh viện không tốt, việc báo cáo, công tác giám sát không được thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao. Việc xã hội hóa y tế, thương mại hóa y tế mà lại không có sự giám sát từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khiến cho nhiều đơn vị lợi dụng kẽ hỡ của pháp luật để tự ý thực hiện, trục lợi bệnh nhân.

Hành vi nâng khống giá thiết bị y tế rồi trục lợi từ bệnh nhân không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân với cơ sở y tế khám chữa bệnh. Đây là hành vi đáng lên án, trục lợi ngay trên chính nỗi đau của người bệnh. Vì vậy, cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra, rà soát toàn bộ thiết bị xã hội hóa, nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm minh. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm trách nhiệm, không chỉ của người trục lợi, mà cả những người buông lỏng kiểm tra, giám sát.

Để hạn chế tình trạng nâng khống giá thiết bị, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ phải nghiên cứu cách thức quản lý, giám sát hoạt động thẩm định giá, đấu thầu thiết bị tại các chủ thể công để đảm bảo sự minh bạch về tài chính và thu chi, Luật sư Cường kiến nghị.

THANH THANH

/he-thong-van-ban-quy-pham-phap-luat-nuoc-ta-da-tuong-doi-day-du.html
/nhung-truong-hop-duoc-tai-ngoai-theo-quy-dinh-cua-phap-luat.html