Vua Việt - Quan tư pháp tối cao của nước

11/10/2018 22:26 | 5 năm trước

LSVNO - Như một mẫu số chung của đa phần các quốc gia phong kiến phương Đông, nước Việt thời phong kiến, chế độ phong kiến trung ương tập quyền được xác lập, phát triển và tồn tại một thời gian d...

LSVNO - Như một mẫu số chung của đa phần các quốc gia phong kiến phương Đông, nước Việt thời phong kiến, chế độ phong kiến trung ương tập quyền được xác lập, phát triển và tồn tại một thời gian dài trước khi tư bản phương Tây, mà cụ thể là thực dân Pháp đem quân xâm lược, dần làm cho chính quyền trung ương nhà Nguyễn từ chỗ thu hẹp dần phạm vi cai quản cho đến việc vua Nguyễn dần bị quản chế, lập nên nếu thuận, phế bỏ nếu chống.

Quan điểm xã hội về vai trò tư pháp của vua

Nói vậy để thấy rằng, trải qua nhiều triều đại nối tiếp nhau trị vì nước Việt, chế độ phong kiến trung ương tập quyền, với quyền lực tối cao thuộc về vua, được các triều đại tìm mọi cách xác lập, củng cố. Vua, không chỉ là người có quyền hành tối cao đối với quốc dân về mặt vương quyền, mà còn là một đại diện tiêu biểu cho thế lực siêu nhiên nắm giữ thần quyền (vua được gọi là “thiên tử” - con trời là vì thế). Riêng về mặt vương quyền, vua Việt là người nắm giữ cả quyền đại diện về mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới vua Việt, với tư cách, vị trí của một vị quan tư pháp tối cao, đứng trên cả cơ quan xét xử, là người có quyền tối cao về quyết định bản án, đặc biệt là khi liên quan đến sinh mạng con người. Để làm rõ vai trò này, chúng tôi tham chiếu từ góc nhìn thời Lê sơ (1428-1527).

Vua Việt, được xem là vị thủ lĩnh tối cao có quyền lực lớn nhất cai quản thần dân. Ở đây ta không bàn đến vị trí của nước Việt với Trung Hoa khi mà trên danh nghĩa, vua Việt thường phải triều cống và vua mới phải được vua Trung Hoa phong vương mới hợp lệ; đó chỉ là mặt danh nghĩa để đảm bảo sự yên bình ngoại giao. Nếu xét nước giống như một cái nhà, một gia đình thì “Giống như người đứng đầu gia đình đối với con cái, vua có quyền tuyệt đối với dân. Vua là “cha mẹ” thần dân. Vì thế, của cải và mạng sống của mọi người đều thuộc về vua”[1]. Nước là nước của vua, dân là dân của vua, nên quyền định đoạt tất thảy, đều thuộc về vua. Những vị quan, những cơ quan, tổ chức được bổ nhiệm, được lập ra, có quyền hành bao nhiêu, thì cũng chỉ là trung gian để đại diện cho vua cai quản dân mà thôi.

Các quan dù có thay mặt vua cai quản dân, làm chức năng về mặt hành chính hay về quyền tư pháp, thì dù muốn hay không, khi có những vụ án mà ở đó liên quan đến sinh mạng con người, lúc đó phải có sự thẩm xét của đấng tối cao. Bởi vậy, khi nói về bốn tính chất đặc biệt của pháp luật Việt Nam, GS. Đào Duy Anh trong tính chất thứ nhất có câu ghi: “Song về những án tước đoạt tự do trở lên thì phải tâu vua”[2].

Ảnh minh họa.

Quy định trong luật lệ, điển chế nhà Lê sơ

Luật lệ, điển chế thời Lê sơ với một số quy định nằm rải rác trong các điều luật, thể hiện rõ cho ta thấy, vua chính là vị quan tư pháp tối cao, có quyền quyết định cuối cùng đến một số vấn đề hệ trọng liên quan đến hoàng thân quốc thích, hay sinh mệnh con người. Xem trong Quốc triều hình luật, ở Chương Danh lệ (Tên gọi luật lệ), có một số điều liên quan trực tiếp đến việc nghị xét tội trạng, quyết định cuối cùng thuộc về đấng quân vương. Chẳng hạn trong Điều 4 chương này khi đề cập đến tám điều nghị xét giảm tội (Bát nghị) cho tám đối tượng của Điều 3, nếu những người này mà phạm vào tội chết “thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử như thế nào, làm thành bản tâu, dâng lên vua để vua xét định (cơ quan nghị án chỉ xét tình nghị tội cho đúng với pháp luật mà không được quyết định)”[3]. Ở đây, cơ quan có chức năng xét xử tội trạng của phạm nhân chỉ giới hạn ở việc đưa ra mức án đề nghị với sự hợp lý căn cứ theo luật, còn quyết định cuối cùng, thuộc về vua Lê. Ngoài tám đối tượng được nghị xét giảm tội ở trên thuộc quyền của vua, thì tại Điều 5 chương này còn ghi rõ “Những họ bà phi của hoàng thái tử từ đại công trở lên mà phạm tử tội, thì cũng phải làm thành bản tâu dâng lên vua xét định”[4]. Qua hai điều luật ở trên, cho thấy vua Lê là người sẽ quyết định chính thức với tội trạng của các đối tượng thuộc về hoặc là tôn thất nhà vua, hoặc quan đại thần, người có công, có tài, có đức hạnh vượt bậc...

Ngoài những đối tượng trên, vẫn ở Chương Danh lệ, Điều 16 còn lưu ý thêm trường hợp như sau: “Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống cùng những người bị ác tật, phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì cũng phải tâu để vua xét định”[5]. Vậy là mặc dù ở vào mức án tử, nhưng vua sẽ là người xem xét tội này để quyết định có ân xá giảm tội hay giữ nguyên mức án theo luật. Xem trong Chương Vệ cấm (Canh giữ bảo vệ), tại Điều 6 của chương này, ta thấy có đoạn ghi: “Những người vào trong cung điện làm việc hết giờ mà không ra khỏi khu vực ngoại điện thì xử tội lưu, ở lại trong cung bị xử tội giảo, ở lại nơi vua nằm xử tội chém. Nếu người không biết mà lầm lỡ, phải tâu lên để vua định đoạt”[6]. Đây là trường hợp có liên quan đến sự an toàn tính mạng của nhà vua, nên kẻ phạm tội sẽ bị xử tội chết (xử giảo hoặc xử chém). Nhưng vẫn có ngoại lệ đối với kẻ phạm tội không cố ý và phải tâu lên để vua đưa ra quyết nghị cuối cùng.

Ở Điều 5 thuộc Chương Trá ngụy (Gian dối) có nội dung mà theo đó nhất nhật muốn làm, phải có ý chỉ của vua mới thực hiện: “Nếu là việc truy bắt những kẻ phản nghịch, kẻ mưu phản, không thể tâu trước mà giả là có chiếu chỉ để thi hành việc truy bắt, thì dù có công hay không có công, đều phải tâu lên để hoàng đế định đoạt”[7]. Nội dung này là xét về tội làm giả chỉ dụ của vua ban phát ra. Tội này vẫn theo Điều 5 quy định, ứng với tội xử chém. Nhưng như nội dung trích dẫn ở trên, luật có xét đến trường hợp cụ thể, để theo đó mà suy xét cho hợp lý, hợp tình và người sẽ định đoạt tội trạng của trường hợp cụ thể đó, chỉ có thể là vua.

Việc định đoạt của vua như một quan tư pháp tối cao với tội trạng, mức án của người phạm tội, ta thấy hai điểm: đó là đối tượng phạm tội mà quyết định cuối cùng cần đến ý kiến của vua để áp dụng mức án, thường là họ hàng thân thích, cố mệnh đại thần, người đức độ, tài năng vượt bậc; và mức độ phạm tội, hay đúng hơn là với tội trạng mà theo quy định của luật có liên quan đến mạng người thì thường phải đưa lên vua nghị xét.  

Thực tế thể hiện thời Lê sơ

Nói đến việc xét xử, thời nào cũng vậy, lấy pháp luật làm chuẩn. Xử tội nhân cũng phải theo thứ tự, tầng bậc nhất định, chứ không thể tùy tiện. Để dễ hình dung, ta lấy thời vua Lê Thánh Tông làm dẫn chứng, trong tổ chức bộ máy nhà nước, không có cơ quan nào hoàn toàn độc lập chuyên trách lĩnh vực tư pháp.

Ở cấp địa phương, quan đứng đầu địa phương là vị thẩm phán có quyền hành lớn nhất. Các vụ án được phân theo thứ tự hành chính. Tại kinh thành Thăng Long, quan Đề lĩnh, Phủ doãn sẽ phụ trách các vụ án. Ở các đạo thì Thừa ty, Hiến ty phụ trách rồi sau đó gửi về Bộ Hình. Nếu có khiếu nại với bản án, ở phạm vi địa phương thì Ngự sử đài các đạo sẽ thẩm xét, rồi đến Ngự sử đài ở kinh đô.

Dưới Ngự sử đài, sẽ có Đại lý tự. Cơ quan này có chức năng xét lại các án tâu lên vua. Nếu đương sự không đồng thuận với bản án đã tuyên, thì quan chức của Đại lý tự sẽ biện bạch cùng người có tội cho thỏa đáng. Sau đó cơ quan này cho ý kiến và vua sẽ là người chung thẩm, xét án lần cuối. Trường hợp án đã thành và Bộ Hình chấp nhận, thì bản án sẽ được Đô đốc ngũ phủ cùng với Ngự sử đài hội đồng với nhau duyệt lại để rồi bản án sẽ được giao xuống theo thứ bậc mà thi hành.

Điều đáng lưu ý ở đây là “án tử hình sẽ do vua xét lại”. Ngoài ra, nếu Đại lý tự thấy bản án chưa hợp lý, thì bản án ấy lại phải xử lại, hoặc chuyển cho quan khác xử, hoặc các quan trong triều cùng nghị bàn, trường hợp cuối là xin quyết định của vua[8].

Dưới thời Lê sơ, có rất nhiều vụ án ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sử cũ ghi lại. Và có những vụ trọng án mà ở đó, ta thấy vua Lê chính là người đưa ra phán quyết cuối cùng, và bản án đó có hiệu lực tức thì.

Đơn cử như việc hai vị sứ thần Nguyễn Tông Trụ và Thái Quân Thực đi sứ Trung Hoa, mâu thuẫn dẫn tới đánh nhau ngay tại nước người; Tông Trụ còn nhận cả đồ tặng của quan nhà Minh. Những việc làm ấy đều là sai và ảnh hưởng tới quốc thể. Thế nên tháng 2 năm Ất Mão (1435), vua Lê Thái Tông khi xử tội hai sứ thần này đã xét: “Hai người vì đi sứ, giao thiệp với người nước ngoài, tức giận đánh lẫn nhau, làm nhục quốc thể, tội đáng chết. Nhưng vì có công cũ, nên xử tội đi đày”[9]. Việc có quan hệ trực tiếp đến bang giao, vua Lê đã trực tiếp mà nghị án thay vì các quan viên lĩnh vực hình pháp.

Vẫn ở thời vua Lê Thái Tông, năm Đinh Tỵ (1437), ngài còn xử cả viên cố mệnh đại thần Lê Sát và ra án hai lần. Lần đầu tiên dựa vào lời tâu của hai ngôn quan Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích, vua đã xuống chiếu kết tội “Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phải phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước”[10]. Lại tiếp vào tháng 7 năm ấy, Lê Sát bị tố cáo là nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo làm thích khách để hại Nguyễn Ngân. Vua nhận được tin tố cáo, giận lắm, liền xuống chiếu “Sát nay lại nuôi sĩ tử, mưu hại bậc trung lương, đáng chém để rao quân”[11]. Vậy là ở đây, quan hệ đến sinh mạng, mà đây là sinh mạng của một vị đại thần có công khai quốc, vua Lê đã trực tiếp mà định tội chết cho Lê Sát. Sau vụ việc này cũng trong năm ấy, vua còn trực tiếp ra bản án tử với một vị khai quốc công thần khác là Lê Ngân, cũng là cha vợ mình. Ở hai vụ việc với hai viên quan họ Lê, xem Quốc triều hình luật, ta thấy quyền tư pháp của vua ứng với Điều 4, Chương Danh lệ của Quốc triều hình luật. Nhưng ta nên chú ý là lúc này, Quốc triều hình luật chưa ra đời. Tuy vậy có thể theo logic mà đoán định rằng, sau này vua Lê Thánh Tông khi cho soạn bộ luật trên, đã căn cứ vào thực tế án lệ vua cha đã thực hiện mà thể chế hóa thành luật.

Những vụ án thời Lê sơ mà ở đó, quyết định cuối cùng thuộc về vua với vị trí như một vị quan tư pháp tối cao, ta điểm xét còn rất nhiều. Ví như tháng 11 năm Mậu Tý (1468), có tên nội thần Phan Tông Trinh là kẻ hầu cận trong cung, nhưng lại cùng với bọn đồng cấp là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át quen thói ăn hối lộ, tội đáng phải xử tử. Tuy nhiên, trừ Phan Tông Trinh, còn lại bọn Nguyễn Thư đều được vua Lê Thánh Tông lệnh cho tha vì “còn mong một ngày kia chúng sửa lỗi, để phòng có khi sai khiến đến”[12].

Sở dĩ tên quan hoạn giả như Phan Tông Trinh vẫn bị y án tội chết, bởi theo như Việt sử cương mục tiết yếu có viết: “Trinh là con nuôi của viên hoạn quan Hiền. Hiền chết, Trinh cướp lấy vợ Hiền. Năm trước Trinh lại thông dâm với cung nữ, chết là đáng rồi!”[13]. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì Trinh dù là con nuôi của nội quan Hiền, nhưng khi “Hiền chết, xác còn hôi hổi đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; năm trước nó lại thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai”[14]. Chính từ những việc trái với nhân luân, thêm tội tư túi nên “cả hai tội đều nặng, giết là đáng rồi”.

Việc quyết án của vua Lê, có lúc còn với chính con trai của mình. Sự vụ này, ta biết qua ghi chép trong Ô châu cận lục. Người con trai ấy, là Triệu vương Lê Thoan, do bà phi người đất Thuận Hóa sinh ra. Chỉ vì một lần vào chầu vua cha, nghe tên hoạn quan miệt thị một người quê mẹ, Triệu vương Thoan nóng giận mà dùng gậy đánh chết tên này, rồi lập tức vào cung xưng tội với vua cha[15]. Trường hợp của Triệu vương Thoan, lại không bị án tử vì nằm trong luật Bát nghị, chỉ phải nộp tiền chuộc tội bởi theo quy định trong Quốc triều hình luật, bên cạnh việc định tội Thập ác ở Điều 2 là 10 tội ác mà luật pháp không thể tha, thì trong Điều 3 của chương này lại quy định “Tám điều được nghị xét giảm tội” (Bát nghị), đề cập đến những đối tượng được xét giảm tội, trong đó đối tượng đầu tiên là “Nghị thân, là họ tôn thất từ hàng đản vấn trở lên; họ hoàng thái hậu từ hàng phả để tang Ty ma (hạng để tang 3 tháng); họ hoàng hậu từ tiểu công trở lên”[16]. Nhưng sau khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện của người con mình, vua Lê Thánh Tông thương cho tấm lòng của đứa con xa, vì vô tình bị xúc phạm đến nguồn gốc quê quán mà tức thời nóng giận xuống tay đoạt mạng kẻ hống hách, thiếu tôn trọng người khác, nên không những ông chẳng phải nộp tiền chuộc tội giết người, mà vua “lại còn cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bị bắt tội”[17].

Chỉ dẫn ra dăm vụ việc như trên, ta thấy được rằng, vua Lê với quyền hạn tối cao, chủ tể của nước, đại diện cho quốc gia, nên dù nhà nước có những chức quan, cơ quan tư pháp, nhưng có những vụ việc khi vua trực tiếp tham gia, thì quyền quyết định cuối cùng và có hiệu lực cao nhất, thuộc về vua.

Ths Trần Đình Ba

 

[1] Nguyễn Văn Huyên (2005), Văn minh Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 170.

[2] Đào Duy Anh (1951), Việt Nam văn hóa sử cương, Xuất bản Bốn Phương, Sài Gòn, tr. 154.

[3] Viện Sử học (1995), Quốc triều hình luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 38.

[4] Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Sđd, tr. 38.

[5] Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Sđd, tr. 41.

[6] Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Sđd, tr. 53.

[7] Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Sđd, tr. 188.

[8] Lê Kim Ngân (1963), Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 99 - 100.

[9] Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 309.

[10] Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 340.

[11] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Sđd, tr. 314

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 1034.

[13] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Sđd, tr. 352.

[14] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 436.

[15] Dương Văn An (2009), Ô châu cận lục, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 109.

[16] Viện Sử học, Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Sđd, phần “Quốc triều hình luật”, tr. 22.

[17] Lê Quý Đôn (2007), Đại Việt thông sử, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 186.