'Xù' bán gạo vẫn được đấu thầu mua gạo dự trữ?

12/05/2020 21:18 | 3 năm trước

Ngày 12/5, tất cả 22 cục dự trữ nhà nước khu vực đã đồng loạt tổ chức đấu thầu mua 182.300 tấn gạo còn thiếu trong số 190.000 tấn gạo phải mua cho dự trữ quốc gia, sau khi nhiều doanh nghiệp trúng thầu trước đó đã "xù" việc cung cấp gạo dự trữ.

700 tấn gạo ở sà lan đang được bốc qua tàu Giang Hải 11 để rời cảng, mang theo 4.200 tấn gạo sang Đông Timor.

Cùng ngày, ghi nhận của chúng tôi tại buổi đấu giá do Cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực Hà Nội tổ chức để mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia khu vực Hà Nội, cơ quan này đã nhận được 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia.

Thiếu biện pháp chế tài?

Trong số 10 nhà thầu tham dự, có những doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 (đấu giá ngày 12-3) nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo như Công ty TNHH thương mại Chương Tho, Công ty CP thương mại Minh Khai và Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam. Dự kiến cơ quan này phải đảm bảo mua đủ 9.000 tấn gạo nhập kho trước ngày 30-6.

Theo ông Trịnh Tuấn Kiên, phó cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Nội cho biết mức giá đấu thầu chính thức vẫn đang trong vòng bí mật vì chưa mở hồ sơ giá.

Về nguyên tắc, trong ngày 12/5, Cục DTNN chỉ mở hồ sơ kỹ thuật để đánh giá nhà thầu có đáp ứng yêu cầu là gạo 15% tấm, loại hạt dài, được xay xát từ thóc thu hoạch vụ đông xuân năm 2020 tại Nam Bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hay không.

Dự kiến đến giữa tuần này, kết quả hồ sơ kỹ thuật được hoàn thiện, cơ quan đấu thầu sẽ chấm hồ sơ về giá, trước khi công bố kết quả đấu thầu vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.

Theo ông Lê Văn Thời - phó tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, luật không cấm tham gia đấu giá lần sau đối với những doanh nghiệp trước đó trúng thầu nhưng hủy hợp đồng cung cấp gạo dự trữ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng cần phải có giải pháp mạnh để "trị" các doanh nghiệp làm ăn kiểu này.

"Nhà nước cần nâng tỉ lệ bảo lãnh dự thầu lên cao hơn nhiều so với mức quy định hiện nay, đồng thời bổ sung vào luật điều khoản cấm tham gia đấu thầu gạo dự trữ quốc gia trong 3 - 5 năm đối với các doanh nghiệp đã trúng thầu mà từ chối hợp đồng cung cấp gạo cho Nhà nước" - ông Thỏa kiến nghị.

Nông dân và Nhà nước đều thiệt hại

Ngày 12/3, các cục DTNN đã đấu thầu 190.000 tấn gạo, với kết quả là 28 doanh nghiệp đã trúng thầu 178.000 tấn gạo. Tuy nhiên, hết thời hạn ký hợp đồng, có đến 26 doanh nghiệp đã từ chối bán 170.300 tấn vì bán là gạo biến động. Lượng gạo được mua đến nay chỉ 7.700 tấn. Theo một lãnh đạo Tổng cục DTNN, nếu không có dịch COVID-19, chắc chắn các doanh nghiệp vẫn bán gạo bình thường cho Nhà nước do đây là khách hàng truyền thống.

Chia sẻ từ một nhà thầu cung cấp gạo lâu năm cho dự trữ quốc gia cũng thừa nhận việc "xù" ký hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ sau khi trúng thầu chủ yếu do giá lúa gạo biến động theo hướng bất lợi với doanh nghiệp. Thông thường doanh nghiệp phải có 70-80% số gạo mới tham gia đấu thầu bán gạo cho Nhà nước. Chẳng hạn nếu tham gia gói thầu 1.000 tấn, doanh nghiệp phải mua trước 700-800 tấn, thậm chí đủ 1.000 tấn với giá mềm.

Kết quả cuộc kiểm tra việc đấu thầu mua gạo dự trữ năm nay do Bộ Tài chính công bố trước đó cũng cho thấy tại kho của 7 cục DTNN có hơn 11.000 tấn gạo của những doanh nghiệp đã trúng thầu vào đợt đấu giá ngày 12-3 nhưng đã từ chối bán gạo cho Nhà nước. Trong khi đó, với mức giá các cục DTNN chào thầu ngày 12-5, cao từ 1.200 - 1.500 đồng/kg so với mức giá mà các DN này đã thắng thầu vào ngày 12-3, ước tính ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ thêm ít nhất 200 tỉ đồng để đấu thầu 182.300 tấn gạo.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia nông nghiệp cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra xem liệu có chuyện doanh nghiệp và cơ quan dự trữ bắt tay để "xù" hợp đồng rồi làm giá gạo với Nhà nước hay không? Ai được hưởng lợi từ đấu thầu gạo dự trữ quốc gia?

"Một trong những mục tiêu mua gạo dự trữ là đảm bảo nông dân có lãi. Vậy người trồng lúa có được lợi hay không? Nếu có thì cũng rất ít vì nông dân đã bán lúa lúc giá thấp ngay khi vừa thu hoạch, thậm chí bán lúa trước khi lúa được thu hoạch", vị này nói.

Giá lúa ở ĐBSCL tăng trở lại
Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, giá lúa tại ĐBSCL tăng trở lại sau khi hoạt động xuất khẩu gạo được khơi thông. Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) cho biết so với cuối tháng 4-2020, giá lúa OM 5451 tăng gần 500 đồng/kg, đang được thương lái mua tại ruộng với giá 5.400 đồng/kg.
Theo ông Khưu Bá Phúc (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, An Giang), giá lúa tại An Giang cũng có xu hướng tăng và đang ở mức cao. Lúa OM9582 được thương lái mua vào 5.600 đồng/kg và IR50404 là 5.400 đồng/kg, cao hơn 200 - 400 đồng/kg so với tuần trước đó. "Nếu giá lúa này duy trì tới cuối vụ, nông dân trồng lúa sẽ rất phấn khởi", ông Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ngoài yếu tố thị trường xuất khẩu gạo dần ấm lên, nhu cầu tiêu thụ các loại gạo chất lượng cao cũng tăng mạnh thời gian gần đây.

K. TÂM - B. ĐẤU/TTO

/thu-tuong-lam-nhung-viec-co-loi-cho-dan-cho-nuoc-la-trach-nhiem-va-danh-du-cua-moi-nguoi.html