Xử phạt hành vi ép người khác uống rượu bia: Khó có căn cứ để thực hiện?

18/10/2020 21:59 | 3 năm trước

(LSVN) - Từ ngày 15-11, nghị định 117/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc ép người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc,...

(LSVN) - Việc xác định thế nào là hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia” đã chưa cụ thể để làm căn cứ xử phạt, và thêm một vấn đề được đặt ra nữa là rất khó có được “chứng cứ” chứng minh việc ép người khác uống rượu bia.

Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc ép người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khó áp dụng

Nhận định về vấn đề này, Luật sư Lò Văn Hặc, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Đây thực sự là một quy định rất tiến bộ trong công tác quản lý việc sản xuất và sử dụng rượu bia của Chính phủ, cần phải lên án hành vi xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu bia".

Tuy nhiên, Luật sư Hặc cho rằng xét trên thực tế thì quy định này sẽ rất khó áp dụng ngay. "Đầu tiên phải kể đến đó là phong tục tập quán của người Việt Nam khi 'khách đến nhà không trà thì rượu', có muôn vàn lý do để nhậu như mừng gặp mặt, mừng nhà mới, chúc Tết, mừng đầy tháng con,...; nhiều trường hợp mượn bàn nhậu để bàn công việc, do đó khó từ chối. Trước mắt khó có thể buộc người dân chấp hành ngay lập tức quy định này".

Luật sư Hặc nhận định, có thể phát sinh ra những vụ việc khác trong thời gian ban đầu áp dụng. Khi uống rượu khó kiểm soát được lời nói và hành vi, nếu lực lượng chức năng xuống kiểm tra phạt về hành vi ép bạn nhậu uống rượu bia thì có thể xảy ra tình huống xô xát giữa cơ quan chức năng với những người trong bàn nhậu… Ngoài ra, việc tố giác bạn nhậu cùng bàn là chuyện hi hữu rất khó xảy ra, gây nhiều băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định vào thực tế.

Đồng thời, rất khó để có căn cứ phạt người có hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia” vì vậy cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn giải thích về căn cứ xác định hành vi này. Bên cạnh đó, không thể dự liệu hết được thế nào là hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia”, luật ban hành thì phải có tính khả thi, tuy vậy với quy định này tưởng có tính răn đe, phòng ngừa nhưng thực tế sẽ khó thực hiện.

Không có căn cứ xử phạt?

Việc xác định thế nào là “ép buộc người khác uống rượu bia” đã chưa cụ thể để làm căn cứ xử phạt và thêm một vấn đề được đặt ra nữa là rất khó có được “chứng cứ” chứng minh việc ép người khác uống rượu bia. Có một số ý kiến cho rằng, có thể đưa ra một số phương án như cử lực lượng chức năng giám sát các quán nhậu hoặc đặt camera trong quán nhậu… “Nếu lựa chọn hai phương án nêu trên thì cử bao nhiều người để giám sát hoặc đặt bao nhiêu camera cho bao phủ hết để quản lý việc ép người khác uống rượu bia là vấn đề lớn phải đặt ra. Trong khi các nhà hàng quán ăn và các sự kiện uống rượu bia tại đám cưới, giỗ chạp, tiệc gặp mặt gia đình... rất nhiều thì việc giám sát quả là không tưởng”, Luật sư Hặc nhận định.

Tại điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định, cơ sở kinh doanh rượu bia có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi: “Không nhắc nhở hoặc không có biển cảnh báo đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia”. Luật sư cho rằng: “Có những trường hợp tài xế không còn nhớ quán mình nhậu là tên gì, ở đâu, có nhớ thì các cơ sở rượu bia cũng sẽ “phủi” trách nhiệm, nói là mình nhắc nhở rồi hoặc các cơ sở có thể phủ nhận tài xế này nhậu ở cơ sở mình. Do đó, các quy định nêu trên ta thấy cơ chế giám sát và xử phạt còn nhiều khó khăn, không có tính khả thi".

AN NHIÊN

/van-chuyen-hang-gia-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html