Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ thêm nhiều thách thức mới

17/11/2017 18:38 | 6 năm trước

LSVNO - Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2018. Như vậy, việc Mỹ kiểm tra thông tin khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản sẽ kh...

LSVNO - Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2018. Như vậy, việc Mỹ kiểm tra thông tin khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản sẽ khiến con đường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này gặp thêm nhiều trở ngại.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ thêm nhiều thách thức mới

Tại hội thảo về quy định chống khai thác bất hợp pháp và gian lận thương mại với các DN thủy sản Việt Nam vừa diễn ra ở TP. HCM, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, kể từ đầu năm 2018, Mỹ sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản. Đó là cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết nhập khẩu vào nước này.

Trước tiên, sự kiện này là một thử thách và cũng là cơ hội sau vụ Liên minh châu Âu (EU) “rút thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Bởi Mỹ và EU là 2 thị trường nhập khẩu hải sản tiềm năng nhất của Việt Nam. Riêng EU, Việt Nam đứng thứ 2 về DN được cấp code vào thị trường này. Còn thị trường Mỹ, dù còn nhiều rào cản và những quy định khắt khe nhưng vẫn là “miền đất hứa” cho thủy hải sản Việt Nam, bởi giá xuất khẩu vào thị trường này luôn đứng ở hàng top.   

Theo bà Heather Brandon (chuyên gia của NOAA), mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt.

Trước những bất lợi từ phía các thị trường xuất khẩu hải sản tiềm năng, hiện nay nhiều DN chế biến xuất khẩu hải sản “đứng ngồi không yên”, bởi bản thân DN khó có thể đáp ứng được yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc hải sản nếu không có sự hợp tác giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến. Trong khi đó, nghề cá nước ta cho đến nay vẫn là nghề sản xuất nhỏ, tàu thuyền đa số đơn sơ; trình độ hiểu biết và ý thức của ngư dân còn nhiều hạn chế; công tác quản lý còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng tầm, dẫn đến Nhà nước khó kiểm soát hết hoạt động của tàu cá trên biển.

Được biết, cách đây gần 10 năm khi EU mới bắt đầu áp dụng Quy định IUU (truy xuất nguồn gốc hải sản nhập khẩu) nhiều DN cũng gặp khó trong việc vận động bà con ngư dân thực hiện các báo cáo chi tiết về ngư trường khai thác, thu hoạch… Giờ đây, trong khi nhiều tàu cá đã quen dần với việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thì xuất hiện một số ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài khiến cho các nước nhập khẩu, trên quan điểm bảo vệ ngư trường, tỏ ra hết sức e ngại. Đó cũng là lý do vì sao EU quyết định “tuýt còi” đối với hải sản nhập từ Việt Nam. 

Trước thực trạng trên, để việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu không còn là thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam, thì Việt Nam cần tổ chức lại hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. 

Trước đó, việc cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kiểm tra 100% lô hàng kể từ tháng 8/2017 đã khiến giá nhập khẩu vào thị trường này tăng đáng kể, đẩy chi phí tăng mạnh. Như vậy, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới hiện nay. Hằng năm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1,5 tỉ USD, riêng các mặt hàng hải sản đã là 350 - 400 triệu USD. 

Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng hệ thống quản lý điện tử, khi tàu cá ra khơi thì bất cứ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể biết chính xác tàu đang ở tọa độ nào, có thuộc lãnh hải quốc gia hay không. Việc tổ chức đánh bắt theo ngư trường và mùa vụ cũng là vấn đề cấp thiết nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, không để ngư dân lấy lý do “biển đói” mà cho tàu khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm các cá nhân, DN vi phạm quy định truy xuất nguồn gốc thủy hải sản, kể cả đánh bắt và nuôi trồng.

Bên cạnh đó, cần có quy chế xử phạt nghiêm, kết hợp định giá thu mua hải sản theo hướng khuyến khích đối với những lô hàng có nguồn gốc rõ ràng. Những việc làm đó nhằm nâng cao ý thức của ngư dân và DN trong việc bảo vệ và giữ vững uy tín, thương hiệu hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Theo ông Trương Đình Hòe (Tổng Thư ký VASEP), trong 13 loại hải sản phải khai báo thì những DN xuất khẩu cá ngừ, cua, cá hồng, cá nục, cá kiếm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì những loại hải sản này xuất nhiều sang Mỹ. Đáng lo hơn là hải sản nuôi trồng có sản lượng lớn của nước ta là tôm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu Mỹ áp dụng quy định này trong năm 2018. Trong trường hợp những nội dung phía đối tác đưa ra vượt quá năng lực của DN thì cần báo cáo với VASEP để có hướng xử lý kịp thời, để không bị gián đoạn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Giang San – Văn Nhạn