Xúc tiến thương mại trực tuyến: Hơn 100.000 lượt doanh nghiệp đươc hỗ trợ kết nối giao thương

15/11/2020 17:13 | 3 năm trước

(LSVN) - Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến đã hỗ trợ hơn 100.000 lượt doanh nghiệp (DN) kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Dù với hình thức nào thì quan trọng vẫn là hàng hóa của DN phải có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: VGP.

Trong bối cảnh các hoạt động XTTM truyền thống bị gián đoạn do Covid-19, để kịp thời hỗ trợ địa phương, DN khắc phục khó khăn, Cục XTTM đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ địa phương, hiệp hội và DN ứng dụng các nền tảng số vào công tác XTTM. Đến nay, Cục XTTM đã tổ chức thành công trên 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến, phủ khắp 5 châu. Cục XTTM cũng hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương như: Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Lâm Đồng, Yên Bái tổ chức thành công các hội nghị XTTM trực tuyến nhằm quảng bá và ký kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản vào vụ như: Vải, nhãn, xoài, rau-củ-quả...

Theo thống kê sơ bộ, tổng số DN Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt với đa dạng các mặt hàng như: Sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội, ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...

Nhìn chung, môi trường trực tuyến giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, do đó mỗi hoạt động XTTM trực tuyến đều thu hút được nhiều lượt tham dự, theo dõi. Các hoạt động XTTM trực tuyến của Cục XTTM đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng DN, được đánh giá cao về thông tin cụ thể và thiết thực liên quan trực tiếp đến sản xuất cũng như cung cấp các thông tin thị trường cần thiết cho mục tiêu xuất khẩu của DN đối với từng ngành hàng liên quan. Đồng thời, đây cũng là cầu nối hiệu quả giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối với các DN nhập khẩu, góp phần duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết Bộ Công thương đang lập nhiều kế hoạch để đẩy mạnh hình thức giao thương trực tuyến để đáp ứng được tình hình thực tế.

Thứ nhất, về mặt cơ chế, chính sách, Bộ Công thương đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, DN trong nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động XTTM, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.

Thứ hai, Cục XTTM sẽ trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương, tổ chức trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào XTTM như: Hội nghị, kết nối giao thương, đào tạo, tập huấn trực tuyến; tham gia gian hàng trực tuyến của các hội chợ - triển lãm lớn, uy tín trên thế gới hoặc tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam... Đặc biệt, Cục XTTM đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về XTTM (App), một nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động XTTM một cách toàn diện. Chúng tôi gọi đó là hệ sinh thái về XTTM trên môi trường công nghệ thông tin vì nó cho phép người dùng là DN, nhà xuất khẩu có thể tải miễn phí từ Apple Store hay Android để sử dụng trên điện thoại thông minh, ipad, máy tính và giúp kết nối, giao thương trực tuyến với đa dạng thị trường, ngành hàng, mặt hàng.

Thứ ba, Cục XTTM sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho DN, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách XTTM của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức XTTM trực tuyến mới; đồng thời thông qua các lớp đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu đến các DN.

DN cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu; cập nhật thông tin nhà phân phối, nhà nhập khẩu tiềm năng, phù hợp với khả năng xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, tích cực trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý XTTM tại địa phương và trung ương, các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt các quy định mới (như các quy định trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới), giúp DN tháo gỡ vướng mắc về quy định nguồn gốc, xuất xứ, quy định thuế quan, phi thuế quan tại từng thị trường và có định hướng, chiến lược xuất khẩu phù hợp; chủ động nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ kết nối giao thương trực tuyến hiệu quả.

Đặc biệt, thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; chú trọng bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói; đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận, khai thác thị trường, DN tại các thị trường/khu vực hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, tập trung đẩy mạnh XTTM đối với các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, các nước CPTPP.

PHƯƠNG LAN/CONGTHUONG

/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-gap-cac-nha-tai-tro-hoi-nghi-cap-cao-asean.html