/ Tin tức
/ Vang vọng tiếng chuông Ngã ba Đồng Lộc

Vang vọng tiếng chuông Ngã ba Đồng Lộc

22/07/2024 06:16 |

(LSVN) - Cứ mỗi sáng sớm và chiều tối tiếng chuông tại Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc ngân vang, cầu nguyện cho hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất vô cùng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có 10 nữ thanh niên xung phong ra đi lúc tuổi đời còn non trẻ. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi thành kính, tưởng nhớ, tri ân những người đã xả thân vì đất nước.

Ngã ba Đồng Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nằm trên đường Hồ Chí Minh giao nhau giữa Quốc lộ 15 và tỉnh lộ 2, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước là “yết hầu” giao thông con đường chi viện ra chiến trường. Ngã ba Đồng Lộc kẻ thù đánh phá mang tính hủy diệt, được gọi là “tọa độ lửa”, chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 kẻ thù đã trút xuống nơi đây 48.600 quả bom, đạn các loại (mỗi mét vuông phải hứng chịu 3 quả bom, đạn), nhưng với khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”, ý chí, quyết tâm của quân và dân ta đã chiến thắng bom đạn của kẻ thù, đường vẫn thông suốt, đêm đêm xe nối đuôi nhau ra chiến trường.

Khu mộ 10 nữ Anh hùng, liệt sĩ TNXP anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Trong cuộc chiến khốc liệt có nhiều tấm gương sáng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như: La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Vương Đình Nhỏ, Liệt sĩ Võ Triều Chung, hàng nghìn người bộ đội, TNXP, công an, công nhân giao thông, dân quân, đã anh dũng hy sinh, điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong Anh hùng thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Sự hy sinh của các cô đã xây nên biểu tượng cao đẹp con người Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng, thống nhất đất nước. Sự hy sinh đó nó trường tồn, vĩnh cửu, các cô sống mãi trong lịch sử dân tộc, sống mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Ngã ba Đồng Lộc trở thành một địa danh lịch sử, năm 1989 được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995 Đảng, Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư, xây dựng, quản lý Khu di tích Nga ba Đồng Lộc.

Ngày 09/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cho mọi thế hệ người Việt Nam. Cũng là nơi tri ân, tưởng nhớ của các du khách trong và ngoài nước. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, Ngày Thương binh, Liệt sĩ có từ 3.500 đến 4.000 lượt du khách đến dâng hương. Trong đó, có nhiều du khách từ nước ngoài. Hiện Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc có 12 hạng mục: Cổng vào Khu di tích, Tượng đài Chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải, Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Đồi La Thị Tám (núi Mòi), Nhà truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, Nhà truyền thống Nga ba Đồng Lộc.

TNXP bất chấp nguy hiểm, chạy đua với thời gian san lấp hố bom, thông đường để xe ra chiến trường.

Tháp chuông Nga ba Đồng Lộc tọa lạc trên quả đồi cao Mũi Mác, có diện tích 7000m2, công trình do Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế, người gắn bó với bản vẽ thiết kế là kiến trúc sư Bùi Ngọc Quý. Cục Di sản - Hội đồng khoa học Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẩm định, cùng sự đóng góp tâm huyết của nhiều nhà văn hóa, sử học, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu tâm linh cả nước và ý kiến đóng góp của Nhân dân.

Mặt bằng của tháp có hình bát giác đều, kết hợp khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp. Phần đế cao 2 tầng, kết cấu tường chịu lực, tạo cảm giác đặc chắc. Thân 5 tầng cấu trúc cột, sàn thông thoáng để du khách lên xuống quan sát phong cảnh bên ngoài Khu di tích. Toàn bộ Tháp chuông cao 7 tầng, 8 mái (36,6m), được lắp 358 bộ đèn bao phủ toàn bộ bề ngoài từ tầng 1 đến tầng 7, đứng xa hàng chục cây số vẫn thấy ánh sáng lung linh. Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc được xếp là một trong những tháp chuông đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Tháp biểu tượng cho công đức của tổ tiên, tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước, của các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, biểu tượng cho tinh thần, ý chí, quyết tâm vươn lên xây dựng quê hương đất nước của thế hệ hôm nay.Tháp có chức năng kết nối năng lượng vũ trụ với mảnh đất thiêng liêng Đồng Lộc. Công trình khởi công xây dựng ngày 26/3/2009, khánh thành vào ngày 02/01/2011, đúng 42 năm Ngày giỗ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc (24/7) tiếng chuông đầu tiên ngân lên từ tháp.

Tháp chuông và Tượng đài chiến thắng ở Ngã ba Đồng Lộc.

Tại đỉnh tháp treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,6m, đường kính 1,92m đúc bằng đồng nguyên khối. Nghệ nhân đúc quả chuông này là ông Nguyễn Văn Ứng, một lính vận tải, trong chiến tranh ác liệt có nhiều lần đã qua Nga ba Đồng Lộc, chứng kiến cảnh khốc liệt mảnh đất này. Sợi xích treo quả chuông dài 10m, đặt mua từ Hải Phòng.

Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc nhận được nhiều bài Minh Chuông của nhiều tác giả. Minh Chuông là thể văn vần 4 chữ, gieo vần theo lối độc lập, nội dung cô đúc, giàu tính biểu tượng, ca ngợi hay khuyên răn đều kín đáo. Giáo sư Huệ Chi một nhà nghiên cứu có uy tín, am hiểu Hán Nôm, người con Hà Tĩnh, ông có tình cảm thiết tha với quê hương. Trong bài Minh Chuông của ông có đoạn viết: “Bộ đội dân quân/Dùng bom phá bẫy/Lớp trước hy sinh/Lớp sau xốc dậy/Đấu trí quật cường/Địch thua trông thấy/Giữ vững mặt đường/Xe ta cứ chạy”.

Hàng ngày cứ 5 giờ sáng, 19 giờ tối tiếng chuông tại Tháp chuông Nga ba Đồng Lộc lại vang lên. Ngoài ra chuông còn đánh vào lúc làm lễ trọng đại, các đoàn khách cấp cao đến. Xúc động với tiếng chuông Ngã ba Đồng Lộc, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc Viết:

"Chuông vọng mãi ngàn năm gương oanh liệt

Vọng tiếng lòng muôn thế hệ tri ân".

Tháng 7 này tôi về lại Ngã ba Đồng Lộc địa danh lịch sử, gắn liền với những chiến công to lớn của bộ đội, TNXP, công nhân giao thông ,dân quân du kích và Nhân dân địa phương. Thắp nén hương lên mộ 10 cô gái TNXP hy sinh oanh liệt. Cùng đồng đội lên Tháp chuông trên quả đồi Mũi Mác nghe tiếng chuông vang vọng cả Khu di tích cầu nguyện cho những người đã vì Tổ quốc ngã xuống trên mảnh đất này, nhắc nhớ mọi người mãi mãi ghi ơn, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ. Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng cho kiêu hãnh, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc, mang đậm giá trị lịch sử, trở thành kỷ vật tinh thần vô giá cho mọi thế hệ.

HẢI HƯNG

 

Tiến Đạt