Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm thống nhất trong chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Kế hoạch đưa ra 04 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Kế hoạch triển khai thực hiện thường xuyên, thiết thực, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH quốc gia, ngành, địa phương.
Ưu tiên bố trí Ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách, nội dung liên quan đến trẻ em theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với khả năng cân đối và quy định về phân cấp Ngân sách Nhà nước, bảo đảm Ngân sách Nhà nướcc giữ vai trò chủ đạo, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực hợp pháp khác.
Bên cạnh đó là xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cho trẻ em; phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; củng cố, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em liên thông, liên tục, chất lượng, hiệu quả; hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hoá, khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em gắn với chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em, dịch vụ công tác xã hội, tư vấn, tham vấn cho trẻ em phù hợp với giai đoạn mới; củng cố, phát triển đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cộng đồng dân cư.
Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em tại các cơ sở khám, chữa bệnh.