Bà con bản Lang đón chờ lễ khánh thành điểm trường mần non Khu Lang (Ảnh: Minh Sơn)
Ngắm nhìn ngôi trường mới, thăm quan từng phòng học, quan sát những bức tranh ngộ nghĩnh, chị Đoan mừng rỡ chia sẻ: “Trường mới sạch đẹp, sắc màu tươi sáng nên con rất thích, ngày nào đi qua cũng chỉ trỏ khoe đây là trường mới của con. Nhìn con vui thích nên tôi cũng thấy vui theo.”
Với chị Đoan và bà con bản Lang, sự hiện diện của ngôi trường mới không chỉ giúp con em họ có điều kiện học tập tốt hơn. Từ nay, những cơn mưa và mái trường bị dột, cũ kỹ, xuống cấp đã không còn là nỗi ám ảnh hay cản trở bước chân đến trường của cô và trò trường mầm non Khu Lang.
Chị Đoan còn đặc biệt ấn tượng khi được lãnh đạo huyện và thầy cô giáo chia sẻ thông tin rằng - gạch và ngói xây dựng trường có đến 50% thành phần nguyên liệu là từ nhựa tái chế - đã qua xử lý đạt chuẩn và an toàn cho sức khỏe con người. Các kỹ sư đã sử dụng đến gần 45 tấn vật liệu tái chế trong quá trình xây dựng nên ngôi trường xinh đẹp này.
Học sinh mầm non xã vùng cao Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện học tập tốt hơn với ngôi trường mới (Ảnh: Minh Sơn)
Ngôi trường xanh mang hy vọng mới
Cô Nguyễn Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hạ, cho biết điểm trường Khu Lang vốn được xây dựng từ những năm 1995, cách điểm trường chính 8 km. Toàn bộ 65 học sinh của điểm trường là con em dân tộc Thái, trong đó 35 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trước khi nhận được hỗ trợ, điểm trường đã xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều hạng mục, khiến điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh không được đảm bảo. Hễ trời mưa, các lớp học bị dột nặng, học sinh phải nghỉ học khiến việc dạy và học bị gián đoạn.
Công trình xây dựng và cải tạo điểm trường Khu Lang bao gồm các hạng mục: xây mới 3 phòng học hoàn chỉnh, xây dựng công trình phụ nhà vệ sinh khép kín và hành lang có mái che, cải tạo 3 phòng học hiện tại, cải tạo nhà vệ sinh đã có và sân chơi hiện hữu của nhà trường nhằm cải thiện điều kiện học tập và vui chơi an toàn, cải thiện vệ sinh và sức khỏe học đường cho học sinh.
Tổng kinh phí công trình xây dựng và cải tạo điểm trường mầm non Khu Lang là hơn 1,94 tỷ đồng, được hoàn thiện trong gần 3 tháng với nguồn tài trợ từ Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF), Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) và Công ty Nhựa tương lai xanh (Green Future Plastic). Trong đó, VSF và Tập đoàn TH tài trợ 1 tỷ đồng; Green Future Plastic chịu trách nhiệm về giải pháp kỹ thuật liên quan đến vật liệu, thi công và đối ứng phần chi phí còn lại.
Điểm đặc biệt là có đến 50% nguyên vật liệu sản xuất gạch và ngói xây dựng công trình là nhựa tái chế. Tổng khối lượng nhựa tái chế của công trình lên đến gần 44,87 tấn. Trước khi dùng làm vật liệu xây dựng, loại nhựa này đã được xử lý bằng công nghệ biến tính và được kiểm định an toàn, không gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người.
Là đơn vị trực tiếp sản xuất loại gạch đặc biệt này, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Nhựa tương lai xanh cho biết rác thải nhựa thường khó xử lý và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Công ty chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu và làm chủ công nghệ xử lý rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng có độ bền cao và không gây ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, chúng tôi hướng đến nhân rộng các giải pháp xử lý triệt để rác thải nhựa, góp phần bảo vệ sinh thái tự nhiên”, ông Cường nói.
50% vật liệu sản xuất gạch và ngói xây dựng công trình là nhựa tái chế đã được xử lý và kiểm định an toàn (Ảnh: Minh Sơn)
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn TH cho biết, đây là nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy tái chế, khai thác nguồn tài nguyên từ rác thải nhựa mà Việt Nam đang lãng phí từ 2,2 - 2,9 tỷ đô la mỗi năm [theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, 2021] hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
“Sau khi tìm hiểu kỹ và được báo cáo rằng công nghệ tái chế vỏ hộp giấy, vỏ hộp nhựa thành vật liệu xây dựng đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe người sử dụng, chúng tôi đã phối hợp với các đối tác để tiến hành xây dựng các công trình thiện nguyện từ vật liệu đặc biệt này. Điểm trường Khu Lang chính là minh chứng cho giá trị của các giải pháp tái chế và là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến giáo viên, phụ huynh, học sinh và bà con địa phương về lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Chúng tôi hy vọng ý thức phân loại và tái chế rác thải sẽ không chỉ dừng lại ở trong khuôn viên nhà trường mà sẽ lan tỏa đến từng gia đình, từng em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước” - bà Thanh Thủy chia sẻ.
Đây cũng là quan điểm của bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt. Theo bà Trang, chung tay cùng Chính phủ xây dựng các công trình trường học mới kiên cố cho học sinh tại các địa bàn khó khăn là hoạt động thường niên của Tập đoàn TH và Quỹ Vì tầm vóc Việt. Thời gian qua Quỹ đã phối hợp với các đối tác cấp Trung ương và địa phương để xây dựng hàng loạt điểm trường mới tại vùng khó khăn, triển khai dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học, dự án Bữa ăn dinh dưỡng học đường, bảo trợ bữa ăn trưa cho 200 trẻ em nghèo Hà Giang…
Quỹ và Tập đoàn TH còn phối hợp với các đối tác nhằm lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa... Dự án xây dựng và cải tạo điểm trường Khu Lang dành tặng học sinh mầm non ở vùng cao Thanh Hóa là một nỗ lực tiếp theo trên hành trình ý nghĩa đó.
Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt phát biểu tại sự kiện
“Chúng tôi mong muốn đây sẽ là điểm trường xanh và là một dự án truyền cảm hứng cho cộng đồng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững. Mong rằng đây sẽ là điểm khởi đầu cho một tương lai tươi sáng của các em”, bà Trang nói.
PV