(LSVN) - Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện 10 phương án đổi mới của dự thảo Đề án: "Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC" là khoảng 8.800 tỉ đồng/năm.
Chiều 23/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án: "Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC" chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, địa phương để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án.
Theo hướng, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án nêu trên theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.
10 điểm đổi mới của Đề án bao gồm:
(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;
(2) Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả;
(3) Số hóa, giá trị pháp lý của tài liệu, hồ sơ thực hiện TTHC đã được số hóa; lưu trữ, khai thác, chia sẻ hồ sơ, tài liệu thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân đã được số hóa;
(4) Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, TTHC trên môi trường điện tử;
(5) Thuê dịch vụ để thực hiện một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC;
(6) Đẩy mạnh việc số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC;
(7) Nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử;
(8) Nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và TTHC;
(9) Giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức;
(10) Đổi mới về nhân sự trực tại bộ phận một cửa.
Theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới vào khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm.
Việc tiết kiệm này được tính toán dựa trên 4 điểm: Giảm số lượng bộ phận Một cửa tiết kiệm được khoảng 2,076 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tái sử dụng lại giấy tờ, tài liệu khoảng trên 2.518 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tăng tỉ lệ % thực hiện thủ tục theo phương thức điện tử là trên 4.298 tỉ đồng năm 2021, năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về tỉ lệ thực hiện TTHC theo phương thức điện tử tăng; tiết kiệm chi phí do giảm thời gian chờ đợi là trên 2.020 tỉ đồng cho năm 2021, năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về thời gian chờ tiếp tục giảm.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, địa phương đều thống nhất với nội dung dự thảo Đề án. Tư tưởng chủ đạo Đề án là ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào số hóa, ứng dụng CNTT không thay đổi vận hành của cơ chế "một cửa, một cửa liên thông". Đề án nhằm tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Phó Chủ tịch Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đề nghị khi triển khai đề án, địa phương nào có tính khả thi sẽ thực hiện luôn chứ không chỉ thí điểm ở một vài địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nêu ý kiến Đề án rất cần thiết đối với Hà Nội, bởi với Thành phố có những việc không ứng dụng CNTT thì đến nay vẫn tắc, đặc biệt là đối với ngành thuế.
Trong đó, riêng với Hà Nội có nhiều nội dung rất cần thiết, đó là: Số hóa xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ, nội dung này cần lộ trình bước đi cụ thể nhưng cần phải làm ngay; vấn đề thuê dịch vụ; vấn đề cần xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ và thống nhất, có tính mở trên toàn quốc. Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cũng nêu một thực trạng là tâm lý người dân lo ngại về an ninh mạng, vì vậy cần tạo tâm lý an toàn cho người dân về thông tin cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án, cho biết Đề án có tư tưởng nổi bật làm thay đổi diện mạo cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần cải cách mạnh mẽ nhưng với hiệu quả, sản phẩm cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh số hóa là quan trọng nhất trong Đề án và mục tiêu phải giảm thực sự về hồ sơ giấy. Đề án cũng cải cách mạnh mẽ vào bộ phận một cửa, một cửa liên thông nhưng không làm thay đổi thẩm quyền của các cấp; cơ cấu, sắp xếp lại Trung tâm hành chính công theo hướng đơn giản hóa, giảm đầu mối; tinh thần giảm bộ máy, không tăng biên chế. Tổ trưởng Tổ biên tập nêu ý kiến Đề án thí điểm nên mở theo hướng đưa các dịch vụ xã hội hóa thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương; cơ chế khuyến khích để các địa phương thuê dịch vụ...
Tổ biên tập tiếp thu tất cả các ý kiến của các bộ, địa phương tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Đề án.
HỒNG HẠNH