Ảnh minh họa.
1. Vị thế, vai trò của Việt Nam nâng cao trên trường quốc tế
Sau hai năm bị gián đoạn hoặc phải chuyển sang hình thức trực tuyến vì đại dịch Covid-19, năm 2022 hoạt động đối ngoại của Việt Nam trở nên mạnh mẽ, năng động trở lại. Năm qua đã diễn ra nhiều chuyến thăm chính thức tới các quốc gia, tham dự các sự kiện quốc tế quan trọng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Ở chiều ngược lại, nhiều lãnh đạo và đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau đã đến Việt Nam trong năm 2022. Điểm nhấn đối ngoại của Việt Nam là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước, thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Ngày 11/10/2022, Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, diễn ra ở New York, Mỹ với số phiếu rất cao. Điều này tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam với các nước, đồng thời mở ra các quan hệ đối tác tin cậy, củng cố niềm tin về mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
2. Khống chế hiệu quả đại dịch Covid-19
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết tâm cao của Chính phủ, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế. Đây được coi là một trong những thành công ấn tượng nhất của Việt Nam trong năm 2022. Với việc xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, đến nay, số mắc mới Covid-19 dao động trên dưới 200 ca/ngày, số ca tử vong thấp, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường. Đại dịch Covid-19 được khống chế đã góp phần quan trọng ổn định tình hình xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
3. Nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng được ban hành
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 và 6 trong năm 2022 đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, hướng đến mục tiêu: Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ngày 09/11/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là Nghị quyết đầu tiên ở tầm BCH Trung ương đề cập một cách toàn diện, đầy đủ nhất các nội dung chính của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới và cũng là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của ngành Tư pháp. Cùng với đó là Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…; Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là những chủ trương, quyết sách lớn, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược để hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với nhiều điểm đột phá như, bỏ khung giá đất; xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…
4. GDP tăng trưởng ấn tượng
Năm 2022 mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19, lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự bứt phá ngoạn mục. Ước tính, GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Theo Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2021, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng.
5. Hoạt động xây dựng pháp luật và nhiều chính sách ban hành kịp thời, hiệu quả
Năm 2022, cùng với công tác tăng cường kiểm tra giám sát, Quốc hội đã thông qua nhiều bộ luật mới liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, có thể kể đến như: Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi); Luật Thi đua khen thưởng; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi),…
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động gây tác động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, Quốc hội, Chính phủ đã có sự điều hành chính sách kịp thời, mang lại kết quả tích cực. Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể; ngày 28/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; ngày 28/5/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022; ngày 12/6/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động… Những quyết định này không những đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, mà còn tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
6. Chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, triệt phá nhiều đại án liên quan đến quan chức cấp cao, đại gia
Năm 2022, việc có hàng chục quan chức cấp cao, đại gia đã bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử trong các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng cho thấy sự quyết tâm chống ‘giặc nội xâm’ của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 2.500 vụ về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Đại án Việt Á, Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố bắt tạm giam một cựu Bộ trưởng và một cựu Thứ trưởng Bộ Y tế; một cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN; một cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN; một cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; một cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ. Vụ án “Chuyến bay giải cứu”, CQĐT đã khởi tố tổng cộng 32 bị can; trong đó có một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và một cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ... Các vụ án Chủ tịch FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC,… liên quan chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, hối lộ, CQĐT đã khởi tố hàng chục bị can, trong đó có nhiều đại gia và quan chức cấp cao.
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Cải cách hành chính năm 2022 đã có nhiều bước tiến rõ nét, tiêu biểu là cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, tiếp tục cắt giảm mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Tính đến ngày 30/11/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số thủ tục hành chính); phối hợp thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm chứng kiến những kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và giao dịch điện tử. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Nghị quyết Trung ương 6 đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
8. Lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả ấn tượng
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, trong năm 2022 các ban, bộ, ngành đã triển khai hàng loạt hành động thiết thực và cụ thể. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, diễn ra ngày 29/11/2022 thu hút gần 500 đại biểu, bước đầu đưa ra những tiêu chí về các hệ giá trị làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu và thảo luận. Bên cạnh đó, Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa thu hút gần 800 đại biểu, diễn ra ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh. Liên quan tới nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay, trong đó có yêu cầu cấp thiết sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách được đề ra tại hội thảo. Cũng trong năm 2022, Việt Nam đã thành công việc đàm phán và “hồi hương” ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo. Đây là minh chứng cho chính sách ngoại giao văn hóa đúng đắn, giúp hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc hoặc “chảy máu” ra nước ngoài.
Trong lĩnh vực thể thao, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) từ ngày 12-23/5/2022. Sự kiện đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Về thành tích, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn, hơn gấp đôi số HCV của đoàn đứng thứ 2; các VĐV phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn bơi, điền kinh, xe đạp, cử tạ. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá nam bảo vệ thành công tấm HCV còn đội tuyển bóng đá nữ có tấm HCV thứ 7. Trong năm 2022, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng đã trở thành một trong 6 đại diện của châu Á tham dự Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh này…
9. Mười năm Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam
Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11. Với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực công tác; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Ngày Pháp luật năm 2022 tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương; thiết thực đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần làm sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp để đánh giá, rút kinh nghiệm qua 10 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng thi hành, bảo vệ pháp luật.
10. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Ngày 19/7/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, thay vì Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt trước đó. Điều này không chỉ cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nghề luật sư ở Việt Nam, mà còn thể hiện sự ghi nhận về vai trò, vị trí của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong hệ thống các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Kết luận 102/KL-TW của Bộ Chính trị năm 2014 đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện nay được Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần thứ 3 thông qua ngày 26/12/2021 gồm Lời nói đầu, 8 chương và 53 điều. Trong đó, quy định về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyền, nghĩa vụ của các thành viên Liên đoàn; quan hệ của Liên đoàn với các thành viên của mình, với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước.
BẢO HƯƠNG