/ Bút ký Luật sư
/ 15 năm hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Những kỷ niệm ấm áp trong ngôi nhà chung của đội ngũ Luật sư

15 năm hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Những kỷ niệm ấm áp trong ngôi nhà chung của đội ngũ Luật sư

10/02/2024 16:18 |

(LSVN) - Bước sang năm 2024, nhìn lại chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), trong tôi tràn ngập cảm xúc về những tháng năm thật sự vất vả cùng tập thể Đảng Đoàn, Thường trực LĐLSVN, Ban Thường vụ và Hội đồng Luật sư toàn quốc (HĐLSTQ), các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn chung tay xây dựng ngôi nhà chung của đội ngũ luật sư Việt Nam. So với lịch sử gần 79 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 khai sinh ra nghề luật sư cách mạng và trở thành Ngày truyền thống luật sư Việt Nam, khoảng thời gian hình thành và phát triển của Liên đoàn còn rất ngắn ngủi.

Tuy nhiên, từ chủ trương xuyên suốt và sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tạo lập thể chế và môi trường pháp lý cho hoạt động nghề nghiệp, đội ngũ 18.020 luật sư Việt Nam (số liệu đến cuối năm 2023) đã thật sự dấn thân và có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và chủ trương cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội. Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ xin chia sẻ một số suy nghĩ, cảm nhận về những dấu ấn đậm nét qua chặng đường 15 năm qua.

Khởi đầu đặt nền móng cho “ngôi nhà chung”…

Thật sự thì tôi không biết nhiều thông tin về hoạt động của Hội đồng Lâm thời để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 5/2009 tại Hà Nội. Sau khi ra trường về công tác tại Sở Tư pháp từ đầu năm 1982, tôi gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh ngày 24/10/1989, hoạt động luật sư kiêm nhiệm cho đến khi rời khỏi biên chế Nhà nước tại Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh) vào năm 1995. Trong bối cảnh đời sống dịch vụ pháp lý và tố tụng còn nhiều ngổn ngang, vất vả trăm bề, thật tâm tôi chỉ mong được tận hiến với nghề nghiệp và tự mình nuôi sống được gia đình, vui với từng trang sách và giảng đường.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” tổ chức ngày 30/11/2020 tại Hà Nội.

Đoàn công tác LĐLSVN thăm và làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Trung Quốc với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc ngày 11/11/2013.

Khi được nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và một số thành viên Hội đồng Lâm thời chia sẻ, động viên tham gia Hội đồng Luật sư toàn quốc, tôi chỉ mong muốn được tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, sau kết quả Đại hội, được bầu làm Ủy viên HĐLSTQ, tôi lại được phân công phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi luật sư, tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, được đồng hành cùng tập thể Ban Thường vụ, HĐLSTQ bắt đầu hình thành nên không chỉ “rường cột”, mà cả “không gian nội thất” ấm áp của ngôi nhà chung của đội ngũ luật sư Việt Nam. Tôi còn nhớ mãi “Đêm hội luật sư” được tổ chức tại Hội trường Văn phòng Quốc hội ở 37 Hùng Vương chào mừng sự kiện Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất thành công, được chia sẻ những trang sách từ bút ký luật sư cho đến kỹ năng hành nghề, bên cạnh các bậc tiền bối tràn ngập tình đồng nghiệp, yêu thương và cùng sánh vai trong chặng đường nghề nghiệp gian nan, đã để lại nhiều cảm xúc và động viên tôi suốt 15 năm qua.

Vị thế của Liên đoàn thông qua các thiết chế và quy phạm vận hành nội bộ, thể hiện năng lực tự quản ở tầm quốc gia

Với góc nhìn của tôi, có thể khẳng định 15 năm qua, điều mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý và người dân nhìn nhận và đánh giá vị thế, vai trò của LĐLSVN thể hiện thông qua năng lực tự quản, khả năng quản trị và hoạt động của các bộ máy, thiết chế đồng bộ của LĐLSVN và các Đoàn luật sư địa phương. Chế định luật sư là một bộ phận cấu thành của thể chế tư pháp thống nhất, lấy việc thượng tôn và bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng của Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp luật sư, LĐLSVN qua gần 3 nhiệm kỳ đã thực sự trưởng thành về năng lực tự quản của mình.

Bản chất và đặc điểm hoạt động của nghề luật sư đã cho thấy sự đòi hỏi khách quan về thiết chế quản lý nghề nghiệp một cách độc lập, vận hành trên cơ sở pháp luật trong một hệ thống tư pháp thống nhất và bảo đảm phát huy tính năng động, sáng tạo và tích cực phục vụ xã hội của đội ngũ luật sư. Biểu hiện cao nhất của tính độc lập trong hành nghề của luật sư chính là thông qua cơ chế và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

Sự nổi trội căn bản và mang tính đặc thù rất cao của mô hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nơi tập hợp đội ngũ các luật sư - tầng lớp trí thức, hiểu biết luật pháp, có tinh thần dấn thân vì nghĩa cử, phụng sự cho xã hội và khách hàng, có văn hóa nghề nghiệp và đòi hỏi phép ứng xử rất đặc biệt, nên có tính tự trọng cao, giàu óc sáng tạo, biết giữ gìn hình ảnh, uy tín cá nhân… Vì thế, ngay các nước có nghề luật sư phát triển, vị thế và tiếng nói của các hiệp hội luật sư quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghề luật sư, nâng cao trình độ hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo vệ danh dự, quyền lợi của đội ngũ luật sư, trở thành cầu nối giao lưu về chuyên môn và tình cảm nghề nghiệp giữa các thành viên.

“Tự quản” về thực chất chính là chế độ quản lý trong nội bộ tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, được vận hành thông qua việc chế định hệ thống các quy phạm nội bộ làm khuôn mẫu cho hành vi của từng thành viên, trong đó có nhiệm vụ xây dựng các quy phạm hành nghề, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện công tác quản lý các tổ chức hành nghề luật sư, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phối hợp với công tác quản lý hành chính tư pháp của Nhà nước, tăng cường hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về phát triển nghề luật sư… Tất cả nhận thức nói trên đã tạo động lực chung cho Thường trực, Ban Thường vụ và HĐLSTQ cùng các Ủy ban, đơn vị trực thuộc xây dựng được “thiết chế quản lý và quy phạm vận hành nội bộ” thông qua Điều lệ, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư và 20 quy chế, quy định nội bộ trong gần 15 năm qua.

Tôi nghĩ chính hệ thống “pháp quy nội bộ” nói trên đã thật sự phát huy vai trò tự quản, tạo ra môi trường độc lập trong hành nghề của đội ngũ luật sư, tạo sự phối hợp, tương tác với các cơ quan chức năng, quản lý hành chính tư pháp, nhằm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn khác của LĐLSVN và các Đoàn luật sư thành viên.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, trước hết phải bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư

Tôi đã có khoảng thời gian đủ dài để biết các thành viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư (nay là Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư) qua các nhiệm kỳ khi đảm nhận trách nhiệm đều là các luật sư có trải nghiệm thực tiễn hành nghề lâu năm, có uy tín, hiểu thấu đáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề của luật sư và luôn chủ động, linh hoạt, tận tâm đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ quyền hành nghề luật sư.

Có thể nói, công tác bảo vệ, giám sát, hỗ trợ quyền hành nghề của luật sư được LĐLSVN và các Đoàn luật sư đặc biệt coi trọng, cùng với việc chủ động đề xuất, tham gia và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của luật sư. Cùng với định hướng này là cần kiến tạo môi trường pháp lý và xây dựng cơ chế thuận lợi để thực hiện và bảo vệ quyền hành nghề, quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư. Nhận thức của LĐLSVN là nếu quyền lợi hợp pháp của Luật sư không được hỗ trợ, bảo vệ thì quyền lợi hợp pháp của khách hàng liệu có bảo vệ được không? Do đó, LĐLSVN và các Đoàn luật sư đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho luật sư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình. Từ tháng 5/2009 đến hết năm 2023, LĐLSVN nhận và xử lý hơn 500 đơn, thư đề nghị bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật sư, trong đó có nhiều yêu cầu khẩn thiết liên quan đến ranh giới ”sinh, tử” khi luật sư bị kiến nghị khởi tố trong quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, nhưng sau đó đã được giải tỏa, quyền hành nghề luật sư được tôn trọng và bảo vệ.

Trong tôi luôn lưu giữ những kỷ niệm, hình ảnh, lời nói, sự tương tác nhanh chóng qua email hay làm việc trực tiếp của các thành viên Ủy ban để thảo luận hướng xử lý đơn thư yêu cầu bảo vệ quyền lợi luật sư. Trong một số vụ việc phức tạp, Tổ công tác do Liên đoàn thành lập đã phối hợp với nhiều Đoàn luật sư địa phương nhằm trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tháo gỡ những khó khăn. Trước một số trường hợp luật sư đối diện với nguy cơ bị đề nghị khởi tố hình sự về hành vi che giấu tội phạm, hoặc quá trình cơ quan chức năng đề nghị xử lý luật sư về hành vi có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do, dân chủ, gây tác động, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và uy tín của cơ quan nhà nước, các luật sư thành viên Ủy ban đều trăn trở, suy nghĩ và kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật, không quản ngại khó khăn về áp lực và thời gian để trực tiếp đến làm việc, tạo sự đồng thuận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điểm nhấn trong hoạt động này chính là sự phối hợp, xử lý của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng khi LĐLSVN chuyển đơn yêu cầu bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư. LĐLSVN đã ký Quy chế phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2011, Bộ trưởng Bộ Công an không chỉ ban hành 02 Thông tư số 70 năm 2011 và số 46 năm 2019 về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, mà còn giao Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp xử lý các đơn, thư yêu cầu bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư. Cho đến hiện nay, điều đáng mừng là gần như hầu hết các văn bản can thiệp của LĐLSVN gửi đến các cơ quan chức năng đều có phản hồi và hướng giải quyết cụ thể.

Mở cửa nhìn ra thế giới...

Trong thành quả hoạt động đối ngoại, xuất phát từ đường lối ngoại giao nhân dân và làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam, hoạt động hợp tác quốc tế của LĐLSVN có sự đóng góp nhất định. Khi tham gia hoạt động của Liên đoàn, tôi được Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn phân công phụ trách các mảng công tác bảo vệ quyền lợi luật sư, xây dựng pháp luật, là Trưởng Tiểu ban tố tụng hình sự xuyên suốt từ khi triển khai sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cho đến khi Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Từ kết quả nghiên cứu tài liệu về mô hình tố tụng hình sự của gần 30 quốc gia lớn, nhỏ, tham luận của các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế do Liên đoàn tổ chức vào tháng 02/2012 và kết quả khảo sát của một số quốc gia có nghề luật phát triển đã giúp Liên đoàn đệ trình được các kiến nghị có giá trị khoa học và thực tiễn, từ đó được Ban soạn thảo chấp thuận xây dựng một chương riêng (Chương V) về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bản thân tôi cũng được Thường trực Liên đoàn phân công chủ trì nhiều Hội thảo quốc tế, báo cáo kết quả của hoạt động kiến tạo pháp luật trước các tổ chức quốc tế như UNDP, JPP, JICA…, là chủ biên 3 tập “Sổ tay luật sư” với sự hỗ trợ của Dự án JICA và kinh nghiệm từ một số chuyến công tác tại Nhật Bản. Quá trình tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự đã giúp cho tôi và GS.TS Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản quyển sách “Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự 2015” (tái bản lần thứ 3) dày tới 1.127 trang.

Triển khai hoạt động hợp tác quốc tế của Liên đoàn, tôi được phân công và có điều kiện tham gia với tư cách thành viên hoặc trực tiếp làm Trưởng đoàn trong các chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm nghề luật sư với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia có nghề luật phát triển. Trừ một số Đoàn công tác tham gia theo sự hỗ trợ của các Dự án, phần nhiều các chuyến công tác của tôi và nhiều luật sư khác phải tự bỏ toàn bộ chi phí cá nhân để tham gia, với mong muốn được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu, góp ý xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của luật sư…

Trong mỗi chuyến đi ấy, tôi tự nhận lấy phần nhiệm vụ khó khăn là ghi chép kết quả làm việc, hình ảnh chi tiết của từng nơi đến, ý kiến của từng chuyên gia, xây dựng báo cáo kết quả chuyến đi để Liên đoàn trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Quyển sách “Muôn dặm đường xa…” do Nhà Xuất bản Tư pháp phát hành năm 2022 mang tính ký sự và hình ảnh chỉ là một phần nhỏ thành quả của hoạt động hợp tác quốc tế của Liên đoàn trong những chuyến đi nói trên. Niềm vui được làm việc, tận hiến với nghề, tham gia đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư và trăn trở qua từng trang sách bút ký luật sư, khung cửa tư pháp và nhận được tình đồng nghiệp ấm áp là nguồn lực tinh thần giúp tôi vượt qua khó khăn và những áp lực trong đời sống và tố tụng.

Hội thảo về công tác bảo vệ quyền lợi luật sư ngày 25/8/2012 tại Hà Nội.

Tiến sĩ, Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam,

Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan