Ảnh minh họa.
Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2020 – 2023, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, doanh thu quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, bao gồm cả lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và sự gia tăng đột phá của các giao dịch trực tuyến cũng kèm theo thực trạng tranh chấp tiêu dùng liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, tổng đài bảo vệ người tiêu dùng 1800.6838 nhận được khoảng 15% cuộc gọi của người tiêu dùng phản ánh liên quan đến giao dịch trực tuyến, chủ yếu ở các nội dung như: Hàng hóa nhận được không đúng (về chủng loại, số lượng, chất lượng) với nội dung doanh nghiệp đã quảng cáo, giới thiệu trên không gian mạng; Hàng hóa nhận được bị hỏng hóc, bể vỡ, nhưng đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử đổ lỗi cho nhau, không chịu trách nhiệm đền bù cho người tiêu dùng; Nhà bán trên sàn không thực hiện bảo hành, đổi trả hàng hóa như chính sách đã cam kết, công bố; Người tiêu dùng đã trả hàng nhưng nhà bán không hoàn tiền và chặn liên lạc…
Từ thực tế trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sàn thương mại điện tử, nơi bán uy tín; không tham gia các giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã được cảnh báo;
Đặc biệt, người tiêu dùng nên kiểm tra hàng hóa khi nhận được; kiểm tra tình trạng thực hiện đơn hàng đã đặt trực tuyến, tránh các giao dịch ngoài sàn do các đối tượng lừa đảo cố ý thực hiện để chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng…
PHƯƠNG THẢO
Chi phí tố tụng dân sự: Quy định pháp luật và áp dụng thực tiễn