Tình trạng mất cân bằng trong tiếp cận và thiếu hụt nguồn cung có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không có sự hợp tác phân phối quốc tế. Ảnh: Reuters.
Mỹ, Liên minh châu Âu cùng các quốc gia sản xuất và xuất khẩu vaccine khác đã có tổng cộng hơn 150 triệu liều dư thừa bị “đắp chăn” chưa sử dụng, trong khi tình trạng thiếu hụt vaccine lại gây ra sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng ở nhiều quốc gia ở châu Á.
Theo tờ Nikkei, một cơ chế quy định các quốc gia dư thừa vaccine cung cấp cho những nước đang có nhu cầu là điều không thể thiếu để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Dựa trên báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Mỹ đã viện trợ 46 triệu liều cho các nước đang phát triển cùng các quốc gia khác từ nguồn cung cấp trong nước. Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận hoán đổi với Israel để vay mượn lượng vaccine dư thừa. Tuy nhiên, số lượng liều có sẵn theo các thỏa thuận được ký kết giữa các bên như trên vẫn ít hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng thực tế của các nước trên thế giới.
Theo ông Anthony McDonnell thuộc tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Phát triển Toàn cầu chuyên về giảm nghèo và bất bình đẳng, sự mất cân bằng trong nguồn cung vẫn tiếp tục xảy ra do các công ty sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu.
Việc một số quốc gia đang xem xét tiêm mũi tăng cường, hay liều thứ ba, đang gây ra nỗi lo ngại rằng quá trình giải quyết tình trạng thiếu hụt sẽ còn bị chậm trễ hơn nữa. Tình trạng mất cân bằng tiếp cận vaccine và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có sự hợp tác quốc tế về phân phối vaccine.
Nikkei đã phân tích số lượng vaccine được quản lý tại 33 quốc gia nơi có thể truy cập được dữ liệu liên quan, trong đó có Mỹ, các quốc gia ở châu Âu và Ấn Độ để tìm ra lượng vaccine bị tồn kho.
Tại Mỹ, cho đến nay đã có 390 triệu liều vaccine được chuyển đến các điểm tiêm chủng do chính phủ liên bang và tiểu bang chỉ định, trong đó 340 triệu liều đã được tiêm cho người dân và còn khoảng 50 triệu liều chưa được sử dụng. Dựa trên số lượng tiêm chủng gần đây mỗi ngày, Mỹ đang có nguồn vaccine dư thừa đủ dùng cho khoảng 100 ngày.
Tại châu Âu ngoại trừ Anh, có tổng cộng 80 triệu liều vaccine vẫn chưa được sử dụng, trong đó có 14,7 triệu liều ở Đức và 10,6 triệu liều ở Pháp.
Các nước dẫn đầu trong chương trình tiêm chủng, điển hình là những quốc gia sản xuất vaccine, thường rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” trước khi đạt miễn dịch cộng đồng với mục tiêu 70% dân số hoàn thành chích ngừa. Tiến độ tiêm vaccine đã bị ngừng trệ ở mức dưới 60% tại Israel, trong khi đang dao động quanh mức 50% ở Mỹ và ở Anh. Lượng vaccine tồn kho đã tăng 70% ở châu Âu trong tháng qua trước tình trạng người dân ngại tiêm chủng gia tăng.
TTXVN
Phát hiện phần mềm theo dõi điện thoại của nhiều chính trị gia và nhà báo trên thế giới