Ảnh minh họa.
Ngày 31/10, xe khách theo tuyến cố định liên tỉnh từ Tây Ninh và TP. HCM bắt đầu hoạt động trở lại. Như vậy, cùng với Tây Ninh, trước đó, 16 tỉnh thành khác cũng mở lại xe khách với TP. HCM thông qua Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) và Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân).
Theo đó, Bến xe Miền Đông có hơn 50 tuyến xe khách đã hoạt động trở lại kết nối qua 10 tỉnh gồm: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau. Tại Bến xe Miền Tây đã có 8 tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ đã mở lại xe khách tuyến đi thành phố như Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hoà, An Giang...
Từ ngày 13 đến ngày 27/10, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ghi nhận có gần 9.800 tổng lượt khách liên tỉnh thông qua các bến xe trên địa bàn với 2.000 lượt xe phục vụ (bình quân mỗi xe chở 5 khách). Nhu cầu khách đi từ TP. HCM đi các tỉnh khác nhiều hơn với khoảng 6.500 người trên 889 xe. Ngược lại, các chuyến xe đến TP. HCM chỉ gần 3.300 khách, với hơn 1.000 xe chạy, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái và ngày thường trước đợt dịch.
Trước đó, từ ngày 01/10, TP. HCM từng bước mở cửa trở lại theo Chỉ thị 18 sau 4 tháng kéo dài giãn cách xã hội. Theo lộ trình mới, thành phố cho phép xe buýt hoạt động trở lại với 4 tuyến đầu tiên ở huyện Cần Giờ. Taxi, xe du lịch cũng đã được chạy nhưng không vượt quá 20-30% số xe ở từng đơn vị. Ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ hoạt động không quá 10% số xe của doanh nghiệp.
Ngày 13/10, xe khách liên tỉnh được thí điểm hoạt động trở lại đến ngày 20/10. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh thành tiếp tục duy trì xe khách liên tỉnh tuyến cố định và cho mở thêm các tuyến khác phù hợp với cấp độ dịch từng địa bàn. Đối với địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2, xe khách liên tỉnh hoạt động bình thường. Địa bàn có dịch ở cấp độ 3, số xe hoạt động không vượt quá 50%, không vượt 50% số chuyến. Địa bàn có dịch ở cấp 4 không được hoạt động trừ trường hợp đặc biệt.
PV