/ Tích hợp văn bản mới
/ 18 Luật có hiệu lực trong năm 2020

18 Luật có hiệu lực trong năm 2020

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Trong năm 2020 vừa qua, hàng loạt Luật mới đã bắt đầu có hiệu lực thi hành, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội...

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

Luật được thông qua ngày 14/06/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được nhiều người quan tâm.

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật nghiêm cấm không được lái xe sau khi uống rượu bia. Đồng thời yêu cầu nhà hàng quán ăn có bán rượu, bia phải hỗ trợ gọi taxi cho khách rời nhà hàng. Các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trung tâm thương mại phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Nếu có nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia phải yêu cầu xuất trình căn cước công dân, chứng minh nhân dân…

Luật Đầu tư công 2019

Luật được thông qua ngày 13/06/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Luật này quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật Đầu tư công năm 2019 có một số điểm mới, cụ thể như sau:

Thứ nhất là, thống nhất về nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan tổ chức dành cho đầu tư).

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó cả các dự án nhóm A.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”.

Năm là, tăng cường hơn tính cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công, Luật bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.

Luật Chăn nuôi 2018

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 gồm 8 chương, 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo đó, Luật quy định các nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hoá tối đa tạo nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Luật cũng cụ thể hoá các điều kiện sản xuất, kinh doanh như yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Luật Trồng trọt 2018

Luật được thông qua ngày 19/11/2018 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Luật Trồng trọt điều chỉnh nhiều lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu…

Luật bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.

Bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư.

Điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp...

Luật cũng bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm)…

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019

Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã sửa đổi quy định về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, trong đó quy định rõ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng. Quy định này nhằm tạo căn cứ pháp lý để áp dụng quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự, xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Luật Thi hành án hình sự 2019

Luật được thông qua ngày 14/06/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Luật Thi hành án hình sự quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp….

Luật bổ sung quy định giam giữ riêng đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Phạm nhân lao động không quá 8 giờ/1 ngày, không quá 5 ngày/1 tuần, được nghỉ chủ nhật, ngày lễ, tết.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Luật đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…; sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; cụ thể:

– Không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

– Bổ sung thêm 1 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

– Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 2 người, đã được tăng thêm 1 người so với quy định hiện hành.

– Tổng số đại biểu HĐND TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh được bầu là 95 đại biểu (hiện nay là 105 đại biểu).

Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức liên quan đến chính sách, đãi ngộ, tuyển dụng công chức; ngạch công chức; xếp loại cán bộ, công chức;… và sửa đổi, bổ sung 15/62 điều của Luật Viên chức liên quan đến đánh giá viên chức; ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức, cụ thể:

– Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 03 đối tượng sau:

+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020.

+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010.

+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng).

– Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển:

+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

– Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Luật Giáo dục 2019

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Với mục tiêu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới GD-ĐT; góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; giáo dục con người yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng.

So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục có những điểm mới cơ bản sau đây:

– Phân luồng và liên thông trong giáo dục: Quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 9, Điều 10).

– Luật hóa chủ trương đổi mới  chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13

Luật Giáo dục quy định Chương trình GDPT thể hiện mục tiêu GDPT; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của GDPT; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT; ban hành chương trình GDPT sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định… (Điều 31).

SGK triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số SGK, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn SGK (Điều 32).

– Chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Luật Giáo dục bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.

– Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và giảng viên đại học

Luật Giáo dục quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

– Hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm.

Luật được thông qua ngày 14/06/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật Quản lý thuế 2019

Luật được thông qua ngày 13/06/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật gồm 17 chương và 152 điều luật, trong đó gồm những nội dung chủ yếu sau

– Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

– Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc).

Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 5 ngày làm việc).

– Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.

– Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử.

– Thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế.

Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019, gồm 10 chương với 135 điều đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

– Bổ sung khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

– Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:

+ Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

+ Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

– Bổ sung quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

– Đơn vị được kiểm toán được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 gồm 5 chương, 28 điều luật, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2018. Gồm những nội dung chủ yếu sau:

– Quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:

+ Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia.

+ Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số.

– Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:

+ 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật.

+ 20 năm đối với BMNN độ Tối mật.

+ 10 năm đối với BMNN độ Mật.

– Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:

+ Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

+ Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế – xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế.

+ Không còn thuộc danh mục BMNN.

Luật Dân quân tự vệ 2019

Luật được thông qua ngày 22/11/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật gồm 8 chương và 50 điều, Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

– Về thành phần của dân quân tự vệ:

+ Không còn phân chia dân quân tự vệ thành dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi như Luật dân quân tự vệ 2009.

+ Bổ sung thêm trong thành phần có dân quân tự vệ thường trực và dân quân tự vệ biển.

– Thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, đơn cử như:

+ Nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

+ Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

+ Người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019

Luậtđược xây dựng nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia. Các nội dung sửa đổi của Luật liên quan đến quy định việc cấp thị thực điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; ký hiệu và thời hạn của thị thực.

– Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:

+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định.

+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh.

+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.

+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định. – Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ).

– Luật hóa quy định về thị thực điện tử:

+ Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày.

+ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật Lực lượng dự bị động viên 2019

Luật được thông qua ngày 26/11/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

– Quy định 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm:

+ Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.

+ Khi thi hành lệnh thiết quân luật.

+ Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

+ Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

– Quy định về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên:

+ Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.

+ Đơn vị dự bị động viên phải duy trì quân số quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% và dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019

Luật gồm 8 chương với 52 điều. Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đẩy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Từ ngày 1/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử: Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp. Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:

– Hộ chiếu ngoại giao.

– Hộ chiếu công vụ.

– Hộ chiếu phổ thông.

Luật Thư viện 2019

Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật có 6 chương với 52 điều. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Luật Thư viện 2019 đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định.

– Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện.

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện.

– Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện.

– Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. (Theo quy định hiện hành, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện).

Luật Kiến trúc 2019

Quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

– Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc.

– Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.

– Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.

THANH THANH

/ban-ve-thoi-han-xem-bien-ban-phien-toa-cua-kiem-sat-vien-va-nhung-nguoi-tham-gia-to-tung-theo-quy-dinh-tai-dieu-258-bo-luat-to-tung-hinh-su.html