Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, từ ngày 13 -14 và ngày 18/12, Phiên họp thứ 28, phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và quyết định đối với 20 nội dung cụ thể.
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Nghị quyết về Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Nhóm Nghị sỹ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đối với các chương trình về công tác đối ngoại.
Về chương trình của công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục trao đổi thêm với Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, cân đối các nội dung đưa vào danh mục chính thức, danh mục dự phòng; cân đối các phiên họp trực tiếp phục vụ cho kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường, trước mặt ưu tiên các nội dung cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 01/2024 để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Dự kiến, dự án Pháp lệnh này sẽ được xem xét biểu quyết thông qua tại phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết định bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm. 2024, gồm dự án là Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền. Trong đó, đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024. Xem xét quyết định theo thẩm quyền và cho chủ trương để trình Quốc hội về 09 nội dung về tài chính và ngân sách khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phê chuẩn, đề nghị bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với một số quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và quyết định bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong năm 2024.
Nhóm vấn đề thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để làm cơ sở hướng dẫn thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả của hình thức giám sát rất quan trọng là hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét cho ý kiến đối với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023.
Nhóm vấn đề thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến về công tác chuẩn bị tại các kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Đối với Kỳ họp thứ 6, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cao với dự thảo Báo cáo tổng kết của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đánh giá, Kỳ họp thứ 6 vừa qua là một kỳ họp rất thành công với khối lượng công việc nhiều, độ khó cao, nhiều việc cấp bách phải xử lý trong một thời gian không có nhiều nhưng đã được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua với tinh thần đoàn kết, dân chủ và tỷ lệ tán thành rất cao, trong đó có Nghị quyết của kỳ họp đã được 100% đại biểu có mặt để biểu quyết tán thành.
Quốc hội tiếp tục có nhiều tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới để nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động Quốc hội. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 6 được đánh giá là một kỳ họp mà Chính phủ và Quốc hội đã có những quyết sách rất kịp thời để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nổi bật là Quốc hội đã rất kỳ công và rất cẩn trọng, cân nhắc để ban hành được Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm giải quyết được vấn đề về áp dụng thu thuế bổ sung đối với thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời với việc đó là trong Nghị quyết chung kỳ họp, Quốc hội cũng đã tán thành về chủ trương cho phép thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác để có hỗ trợ đầu tư đối với những lĩnh vực, những đối tượng cần khuyến khích đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Chính phủ và Quốc hội đã bám sát thực tiễn là vì sự phát triển chung của đất nước để có nhiều quyết sách góp phần quan trọng cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và tạo động lực mới để phát huy các năng lực nội sinh, khai thác các động lực tăng trưởng cũ, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại một số vấn đề cần phải lưu tâm, rút kinh nghiệm. Đó là vấn đề chuẩn bị, tinh thần chủ động, tích cực của các cơ quan nói chung từ Quốc hội cho đến Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức, cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung cần phải sớm hơn nữa và quyết liệt hơn nữa và chặt chẽ với nhau hơn nữa để khắc phục cơ bản tình trạng gửi tài liệu chậm, có thể tác động đến chất lượng của các dự án.
Cùng với đó, là việc bố trí nội dung chương trình, một số nội dung còn trùng lặp, dù nội dung khác nhau nhưng có sự giao thao. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm trong việc bố trí nội dung chương trình của các kỳ họp cuối năm để bố trí các nội dung, lồng ghép các nội dung liên quan để có thể tiết kiệm hơn nữa thời gian kỳ họp.
Về Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu, trong đó, đã nhất trí bổ sung thêm 04 dự án luật. Khối lượng các dự án luật dự kiến thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 là khá lớn.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và rút kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hoàn thiện dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng tinh gọn, mạch lạc, gọn nhẹ hơn, vừa tiết kiệm được thời gian vừa nâng cao được chất lượng.
Đối với kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do nhu cầu cấp bách, cùng với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, dự kiến kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số vấn đề về tài chính, ngân sách.
Lưu ý thời điểm cuối năm là giai đoạn bận rộn với các công việc tổng kết, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cố gắng tối đa, tập trung cao độ cho các nội dung của kỳ họp bất thường.
VĂN QUANG (t/h)
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật tại Kỳ họp thứ 7