/ Tin tức
/ 24 vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung trong Nội quy Kỳ họp Quốc hội

24 vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung trong Nội quy Kỳ họp Quốc hội

30/07/2022 16:19 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết Ban hành nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tháng 5/2022, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu. 

Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia về dự thảo Nghị quyết với mong muốn nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực, có tính phản biện, đề xuất được nhiều quy định mới nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả Kỳ họp của Quốc hội. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kể từ khi được ban hành vào năm 2015 đến nay, Nội quy Kỳ họp Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. 

Tuy nhiên, Nội quy cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

Một là, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị.

Hai là, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, bảo đảm mọi hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp đều có quy định về quy trình, thủ tục cụ thể; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh việc cùng một nội dung nhưng có nhiều văn bản cùng điều chỉnh.

Bốn là, nội quy hóa các nội dung đã được cải tiến, đổi mới có liên quan đến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Nêu một số hạn chế, bất cập của Nội quy Kỳ họp năm 2015, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số nội dung chưa quy định cụ thể trong Nội quy hoặc quy định còn chưa hợp lý, chưa thống nhất với các quy định khác liên quan; nhiều luật đã được sửa đổi, bổ sung có quy định về thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để Quốc hội thực hiện thẩm quyền đó tại kỳ họp.

Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng chỉ rõ trong thời gian qua đã có nhiều cải tiến, đổi mới được áp dụng tại kỳ họp và phát huy hiệu quả nhưng lại chưa được quy định hoặc đang khác so với quy định của Nội quy năm 2015. 

Do đó, Nội quy kỳ họp cần sửa đổi, bổ sung tập trung 24 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (cụ thể bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành).

THU HUỆ

Sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng