(LSO) - Trưa ngày 27/7, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đã có 30 ca bệnh “bỏ trốn” khi Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định.
Cụ thể, theo bác sĩ Trung, vào sáng ngày 27/7 Bệnh viện Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng về các ca bệnh trốn viện cần giám sát.
Theo báo cáo, trước đó, thực hiện chỉ đạo của Ban phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện đã được cách ly vào lúc 13h ngày 26/7. Do tâm lý lo lắng, một số bệnh nhân và người nhà đã tự ý bỏ viện. Trong đó, có 15 bệnh nhân tại Khoa Tim mạch can thiệp bỏ trốn. Tại Khoa Ngoại tiết niệu, 15 người vắng mặt trước 12h ngày 26/7.
Theo Bệnh viện Đà Nẵng, đã có 30 ca bệnh lợi dụng thời điểm đang rối khi có lệnh cách ly để bỏ trốn khỏi BV.
Được biết, lý do trong ngày 26/7, những người này lợi dụng thời điểm đang rối khi có lệnh cách ly bệnh viện để bỏ trốn. Những bệnh nhân này bệnh nhẹ, không liên quan đến khu vực khác.
Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo việc giám sát với các trường hợp này. Đồng thời, lực lượng chức năng đang điều tra để đưa những người bỏ trốn đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để cách ly.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi trốn cách ly, không thực hiện yêu cầu trở lại khu cách ly, chống đối yêu cầu cho lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống xã hội của người dân. Căn cứ theo khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm như trên thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Nếu trường hợp trốn cách ly sau đó được xác định dương tính với Covid-19 thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 240 của Bộ luật Hình sự và Mục 1.1 Công văn Số 45/TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ngày 30/3/2020, nếu người dương tính với Covid-19 có hành vi trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh Covid-19 thì có thể bị khởi tố về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.
Điều 240. Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
THANH THANH