/ Tích hợp văn bản mới
/ 4 chính sách nổi bật tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

4 chính sách nổi bật tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

05/02/2023 22:44 |

(LSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Ảnh minh họa.

Trong đó, nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tập trung vào 4 chính sách:

Chính sách 1: Sự tham gia của Doanh nghiệp nước ngoài và hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trong thị trường quảng cáo Việt Nam.

Chính sách 2: Tính phù hợp và trung thực của nội dung quảng cáo.

Chính sách 3: Giới hạn về thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình.

Chính sách 4: Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Quảng cáo thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Theo đó, Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, trách nhiệm quản lý nhà nước, các hành vi cấm, yêu cầu, điều kiện đối với từng nội dung quảng cáo, phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Luật Quảng cáo đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do. Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, đến nay, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Luật Quảng cáo cũng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại, văn minh… các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh mà trước đó chưa có quy định để xử lý, đặc biệt là tình trạng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn tràn lan gây mất mỹ quan đô thị, quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được nêu trên thì lĩnh vực quảng cáo cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật.

Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết.

HÀ ANH

Người dân có được giữ lại sổ hộ khẩu làm kỷ niệm?

Bùi Thị Thanh Loan