/ Tin thế giới
/ 4 năm “nghệ thuật đàm phán” của Tổng thống Trump làm thay đổi quan hệ giữa Mỹ với thế giới

4 năm “nghệ thuật đàm phán” của Tổng thống Trump làm thay đổi quan hệ giữa Mỹ với thế giới

05/01/2021 18:17 |

(LSVN) - Ông Trump tự nhận mình là một “nhà đàm phán vĩ đại” và tuyên bố rằng điều đó có thể đem lại cho ông khả năng đặc biệt trong việc “xoa dịu” mối xung đột với những đối thủ của Mỹ.

Khi tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã cam kết “chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết”, thể hiện bản thân mình là người theo chủ nghĩa biệt lập và là “kẻ ngoại đạo”, trái ngược với đối thủ dày dặn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton – cựu Ngoại trưởng, Thượng Nghị sỹ và Đệ nhất phu nhân Mỹ.

Ảnh: AP.

Ông Trump tự nhận mình là một “nhà đàm phán vĩ đại”, viện dẫn ông là một doanh nhân lão luyện trong việc đàm phán các thỏa thuận với những khách hàng “khó nhằn”, đồng thời tuyên bố rằng điều đó có thể đem lại cho ông khả năng đặc biệt trong việc xoa dịu mối xung đột với những đối thủ của Mỹ.

“Thỏa thuận là nghệ thuật của tôi. Những người khác vẽ nên những bức tranh đẹp hoặc viết những bài thơ hay. Tôi thích tạo nên những thỏa thuận, những thỏa thuận lớn và tốt nhất. Đó là cách tôi tạo nên dấu ấn”, ông Trump từng đăng tải trên Twitter như vậy năm 2014.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và tuyên bố các nước khác, từ Trung Quốc tới Đức hay Mexico đang lợi dụng nước Mỹ theo nhiều cách làm tổn hại tới người dân Mỹ. Ông thậm chí còn đổ lỗi cho những người của đảng Dân chủ như bà Clinton đã ký kết những thỏa thuận tồi tệ cho nước Mỹ.

Với Châu Âu và Anh

Quan hệ của ông Trump với các nhà lãnh đạo Châu Âu khá thất thường, có lúc tỏ ra thân mật, nhưng rồi có lúc ông cũng chỉ trích họ gay gắt, điển hình là với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Việc ông thúc đẩy các thành viên NATO, đặc biệt là Đức, phải tăng chi tiêu quốc phòng đã “giúp” khởi động các cuộc thảo luận về Quân đội Châu Âu độc lập cho Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Trump từng công khai nói về sự lỗi thời của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Nhưng cũng chính ông là người gia tăng sự hiện diện của NATO ở Đông Âu khi tái bố trí binh sỹ Mỹ từ Đức tới các nước sát biên giới Nga và xây dựng các căn cứ mới ở Ba Lan.

Trong nhiệm kỳ của ông Trump, Anh - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, đã trải qua những cuộc tranh cãi dai dẳng về việc có rời EU hay không và rời khỏi khối này như thế nào. Một mặt, ông Trump khuyến khích London “ra đi” nếu EU không thể cho họ một thỏa thuận hậu Brexit công bằng. Mặt khác, ông Trump cũng gạt bỏ việc Anh sẽ ký một thỏa thuận thương mại tự do riêng biệt với Mỹ sau đó. Dù vậy, hai nước vẫn duy trì được “mối quan hệ đặc biệt”.

Với Iran và Trung Đông

Khi nói đến Trung Đông, trung tâm các hoạt động quân sự của Mỹ suốt 30 năm qua, các chính sách của Mỹ dưới thời Donald Trump vẫn tập trung nhiều vào Iran.

Năm 2018, ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức ký với Iran năm 2015.

Ông Trump tuyên bố Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân, nhưng các thanh sát viên quốc tế không tìm được bằng chứng nào về điều này. Sự phi lý đó đã tạo nên rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh – những nước vẫn tiếp tục ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Căng thẳng chiến tranh bị đẩy lên một nấc sau khi chính quyền Trump đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố và vụ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds của IRGC tướng Qasem Soleimani tháng 1/2020. Vài ngày sau vụ ám sát, Iran đã tấn công trả đũa, nã hàng chục tên lửa đạn đạo vào các căn cứ không quân Ayn al-Asad và Erbil ở Iraq, khiến hàng chục binh sỹ Mỹ bị thương.

Ở Syria, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã chứng kiến cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi và kết thúc cuộc chiến quốc tế chống IS. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết rút binh sỹ Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông này, đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn sa lầy trong cuộc chiến ở Syria.

Ở Iraq, vụ ám sát Soleimani - cuộc tấn công được thực hiện mà không có sự cho phép từ Baghdad, đã khiến Quốc hội Iraq ra nghị quyết trục xuất các lực lượng Mỹ khỏi nước này. Dù vậy việc chính quyền Trump “không quan tâm” tới nghị quyết đã làm gợi lại những ký ức về cuộc can thiệp của Mỹ giai đoạn 2003-2011.

Thắt chặt quan hệ với Israel

Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ gần gũi của Mỹ với Israel được củng cố thêm, đặc biệt là việc chính quyền Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như việc nước này sáp nhập Cao nguyên Golan của Syria. Chính quyền Trump cũng là nước bảo trợ cho những nỗ lực ngoại giao chưa từng thấy của Israel với thế giới Arab.

Cái gọi là “thỏa thuận thế kỷ” đã giúp Israel bình thướng hóa quan hệ ngoại giao với UAE, tiếp sau đó là Qatar, Bahrain, Sudan và Ma Rốc. Tuy nhiên, thỏa thuận với tham vọng giải quyết các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine bằng một loạt sáng kiến cơ sở hạ tầng, lại vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ vì không giải quyết được những vấn đề bất đồng chủ chốt.

Với Afghanistan

Ở Afghanistan, chính quyền Tổng thống Trump đã chứng kiến thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Taliban – lực lượng khiến Mỹ đưa quân tới quốc gia Nam Á này 19 năm trước và bị mắc kẹt trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy kể từ đó. Tuy nhiên, khi ông Trump chuẩn bị rời nhiệm sở, thỏa thuận riêng biệt giữa Taliban và chính phủ Kabul được Mỹ hậu thuẫn vẫn chưa đem lại kết quả.

“Có vẻ như nội bộ Mỹ đều đã nhận thấy rằng, cuộc chiến (ở Afghanistan) không thể định đoạt bằng các biện pháp quân sự mà cần phải có một giải pháp chính trị”, Umer Karim, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia có trụ sở ở London cho biết.

Hồ sơ Triều Tiên

Quan hệ của Mỹ với Triều Tiên có thể là điểm nổi bật nhất trong số các chính sách ngoại giao của chính quyền Trump. Chính sách này bắt đầu bằng việc ông Trump dọa đánh bom Triều Tiên để đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, rồi chuyển hướng sang chính sách đàm phán và hòa giải đem lại những kết quả trước nay chưa từng thấy, và rồi kết thúc bằng sự gia tăng căng thẳng khi các cuộc đàm phán bế tắc.

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AP.

“Tôi nghĩ cả 2 bên tới các cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam hoàn toàn nhận thức rõ những gì họ muốn, nhưng cũng biết rõ những hạn chế về những gì 2 bên có thể thực sự đạt được và những vấn đề có thể đồng thuận”, ông Victor Teo, nhà nghiên cứu Dự án Chiến tranh Lạnh tại Đại học Cambridge nói về cuộc gặp thượng đỉnh tháng 6/2018 và tháng 2/2019 giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được mục tiêu ban đầu là khiến Triều Tiên ngừng đe dọa Mỹ với việc phát triển ICBM và các vụ thử hạt nhân. Điều này đã giúp nâng cao vị thế chính trị trong nước của Tổng thống Trump và được cho là một thành tựu quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ, cho dù rất nhiều người bác bỏ điều này. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, Tổng thống Trump đã gỡ bỏ ‘quân cờ quan trọng’ khỏi kho vũ khí địa chiến lược của Trung Quốc khi ông muốn đối phó với Bắc Kinh”, ông Victor Teo đánh giá.

Quan hệ Nga-Mỹ

Quan hệ với Nga đã “đeo bám” ông Trump từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ cho rằng chiến thắng bất ngờ của ông là nhờ sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.

Trái ngược với những cáo buộc vô căn cứ của đảng Dân chủ rằng ông Trump quá “mềm mỏng” với Nga, quan hệ Nga-Mỹ dưới thời ông Trump thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tháng 12/2017, Nhà Trắng bắt đầu bước chuyển mới trong chiến lược quân sự và chính trị, hướng tới “cạnh tranh nước lớn” với Nga và Trung Quốc. Chính quyền Trump cho rằng, những nước theo “chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Những yếu tố đó là mối đe dọa còn lớn hơn cả các tổ chức khủng bố quốc tế đối với Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã siết chặt trừng phạt Nga hơn so với các chính quyền tiền nhiệm, trong đó có Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), theo đó trừng phạt các nước mua công nghệ quốc phòng tiên tiến từ các công ty của Nga, Iran hay Triều Tiên.

Ông Trump cũng tìm cách chia rẽ Nga với các nước châu Âu như Đức bằng việc gây sức ép buộc Berlin phải mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ và dọa trừng phạt Đức vì dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sắp hoàn thành, dự án đưa khí đốt của Nga tới Trung Âu qua bờ biển Baltic của Đức.

Đối đầu Mỹ-Trung

Nếu như cách tiếp cận của chính quyền Trump với Triều Tiên là “thất thường”, thì chính sách với Trung Quốc lại đều đặn gia tăng đối đầu.

Chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu bằng việc cáo buộc Trung Quốc tận dụng các quy tắc thương mại của Mỹ, sau đó áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để đảo ngược thâm hụt thương mại kéo dài bất lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng” từ Bắc Kinh.

Đến tháng 2/2020, khi thỏa thuận giai đoạn 1 được nhất trí, hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa 2 bên, thì đại dịch Covid-19 bùng phát khiến những mục tiêu của thỏa thuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại là những cáo buộc về việc các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei bị chính phủ Trung Quốc thao túng nhằm do thám người dùng Mỹ đã dẫn tới việc đưa vào danh sách đen các công ty của Trung Quốc.

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc còn gia tăng trong các vấn đề từ Đài Loan, Hong Kong tới Biển Đông.

Năm 2020, sự thù địch của Mỹ với Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới với đại dịch Covid-19, dịch bệnh được phát hiện ở Vũ Hán những ngày cuối năm 2019 nhưng sau đó đã lan rộng ra các nước trên thế giới. Khi đại dịch mất kiểm soát, hàng triệu người Mỹ mắc bệnh, và hàng trăm nghìn người Mỹ đã tử vong. Việc đóng cửa đồng loạt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.

Ông Trump nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19, cho rằng Bắc Kinh, một cách có chủ ý, đã khiến người Mỹ mắc bệnh nhằm phá hoại sự thành công của chính quyền Trump, và ông tuyên bố nước này đã “thao túng” WHO và các số liệu thống kê để che đậy sự nguy hiểm của Covid-19.

Đàm phán lại NAFTA với Mexico và Canada

Tổng thống Trump đã hứa hẹn đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – tương tự như các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc – mà ông cho là khiến các công nhân Mỹ chịu nhiều bất công.

Đến tháng 1/2020, 3 nước tham gia thỏa thuận này nhất trí về thỏa thuận mới – Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), cho phép Mỹ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường bơ sữa của Canada, đồng thời áp hạn ngạch nhập khẩu ô tô từ Canada và Mexico, đổi lại Mỹ dỡ bỏ thuế nhập khẩu nhôm và thép nhập khẩu từ 2 nước này.

Ông Trump cũng vận hành chính sách chấm dứt nhập cư bất hợp pháp từ Mexico và Trung Mỹ, cam kết xây tường biên giới nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực vượt biên trái phép. Ông đổ lỗi cho Mexico đã không kiểm soát được đoàn người di cư từ Trung Mỹ và dọa đóng cửa biên giới với nước này. Cuối cùng, Mexico đã phải triển khai hàng chục nghìn binh sỹ tới biên giới với Mỹ cũng như biên giới với Guatemala để kiểm soát dòng người di cư bất hợp pháp.

HOÀNG PHẠM/VOV

/tong-thong-trump-ky-du-luat-chi-tieu-va-vien-tro-kinh-te-do-dai-dich.html