Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, tổng hợp chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bám sát, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong quá trình xây dựng thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ đã tham mưu báo cáo Chính phủ, trình quốc hội thông qua 17 dự án Luật, với nhiều cơ chế, chính sách then chốt có tính chất tiên phong, định hướng.
Về cải cách thủ tục hành chính, hằng năm, Bộ đều ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Trong đó phải kể đến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với nhiều cải cách mạnh mẽ.
Điển hình là Luật Đầu tư năm 2020 đã bãi bỏ 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khoảng 400 điều kiện kinh doanh tương ứng với 23 ngành, nghề này đã được cắt giảm. Căn cứ danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được điều chỉnh tại Luật Đầu tư năm 2020, Bộ đã nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ danh mục các điều kiện kinh doanh cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa, trong đó có các điều kiện kinh doanh liên quan tới một số ngành nghề như: Kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, kinh doanh dịch vụ bưu chính, hoạt động của nhà xuất bản, kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, các quy định về chứng chỉ,...
Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại, hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành. Hệ thống này đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.
Về cải cách tổ chức bộ máy, mô hình tổ chức Bộ KH&ĐT tiếp tục được hoàn thiện theo hướng Bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và có cơ cấu hợp lý hơn phù hợp với quá trình cải cách, chuyển đổi qua từng giai đoạn, từ quản lý vi mô của cơ chế cũ, sang quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật của cơ chế mới.
Hiện đại hóa hành chính, chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu trong mọi công tác tại Bộ KH&ĐT. Bộ luôn chú trọng công tác chuyển đổi số, điển hình là đã xây dựng Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, là hệ thống cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần minh bạch hóa thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Hệ thống ngày càng khẳng định được vai trò, giá trị đối với xã hội thông qua sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng truy cập hằng năm. Trong 2020, tổng lượng truy cập vào cổng thông tin này đã đạt hơn 218,9 triệu lượt (gấp 12 lần so với năm 2015). Dịch vụ cung cấp thông tin trên hệ thống với các thông tin đa dạng đã góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện để cộng đồng dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của bên thứ ba đối hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng đã tập trung triển khai xây dựng nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ cho các hoạt động chuyên ngành của Bộ, triển khai trên phạm vi toàn quốc…
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, Bộ KH&ĐT kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Tiếp tục rà soát hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh. Các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ cải cách hánh chính.
YÊN CHI (t/h)