/ Thư viện pháp luật
/ 5 chính sách nổi bật tại dự án Luật Phòng bệnh

5 chính sách nổi bật tại dự án Luật Phòng bệnh

26/08/2023 12:51 |

(LSVN) - Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau:

- Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.

- Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.

- Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

- Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.

Theo Bộ Y tế, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII.

Khắc phục đ­ược các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Mục tiêu chính sách là góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

PV

Bùi Thị Thanh Loan