/ Tin tức
/ 5 điểm cần lưu ý trong điều trị Covid-19 giai đoạn mới

5 điểm cần lưu ý trong điều trị Covid-19 giai đoạn mới

22/11/2023 06:45 |

(LSVN) - Mới đây, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023-2025. Trong đó, Bộ Y tế nêu rõ 5 điểm cần lưu ý trong công tác điều trị Covid-19 giai đoạn mới.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Kế hoạch là bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cụ thể là giảm số mắc Covid-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm ca nặng và tử vong do Covid-19; đảm bảo việc quản lý bệnh Covid-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Về công tác điều trị, trong Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023-2025 của Bộ Y tế nêu rõ 5 điểm:

- Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...).

- Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc Covid-19.

- Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.

- Rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế, hồi sức, bao gồm (máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, oxy y tế,... phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình mới.

Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 nghìn trường hợp tử vong; 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Dịch Covid-19 hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số mắc, tử vong giảm sâu; số mắc trung bình tháng hiện nay khoảng 10.000 ca, giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với 2022; tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% (2021) xuống 0,11% (2022) và hiện còn 0,02%.

Ngày 19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg quyết định sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023. Theo Quyết định 26/2023/QĐ-TTg, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.

Ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg, theo đó, bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19.

PV

Bùi Thị Thanh Loan