/ Dọc đường tố tụng
/ 6 Luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng

6 Luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Ông Đinh La Thăng bị buộc chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương.

Ông Đinh La Thăng được đưa đến toà. Ảnh: PLO.

Sáng ngày 14/12, TAND TP. HCM mở phiên xử xét xử bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cùng 05 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Liên quan tới vụ án này, tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 12 đồng phạm bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Đúng 06h50 sáng, 20 bị cáo trong vụ án được áp giải đến TAND TP. HCM bằng 6 xe chuyên dụng. Bị cáo Đinh La Thăng - một trong những chủ chốt của vụ án, đến tòa sáng nay trong trang phục áo xanh, đeo khẩu trang, mắt kính kín mít.

Trước đó, ông Đinh La Thăng bị tạm giam tại trại giam B14 Bộ Công an (Hà Nội); còn các bị cáo khác bị tạm giam tại trại giam T16 Bộ Công an, trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh, trại tạm giam T75, trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Tất cả đã được di lý vào TP. HCM trước ngày xử.

Phiên tòa do Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó chánh tòa hình sự TAND TP. HCM, làm Chủ tọa; 5 Kiểm sát viên Viện KSND TP. HCM được Viện KSND Tối cao phân công giữ quyền công tố tại tòa. Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng có 6 Luật sư bào chữa, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có 2 Luật sư bào chữa. Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ có 5 Luật sư.

Trong vụ án này Bộ Giao thông vận tải được tòa triệu tập với tư cách bị hại. HĐXX cũng triệu tập đơn vị, cá nhân liên quan như Bộ Tài Chính và 13 doanh nghiệp, như: Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT Quốc lộ 20…

Ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, ông Đinh La Thăng nhiều lần hỏi lại Chủ tọa vì không hiểu rõ câu hỏi. Bị cáo khai trình độ 10/10, nghề nghiệp đầu tiên khi ra trường là kế toán, sau đó chuyển sang các cấp quản lý.

Bước lên bục khai báo, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai ngoài tên Hệ không còn tên gọi nào khác. Khi vị Chủ tọa đề cập trong các bản án hình sự có ghi nhận bị cáo có tên gọi Út “Trọc”, ông Hệ phủ nhận. Bị cáo này khẳng định lại mình chỉ có một tên gọi, các tên khác trong các bản án đã xét xử là không đúng.

Đến 09h40, HĐXX kết thúc phần làm thủ tục với 20 bị cáo.

Sáng nay, hơn 30 Luật sư bào chữa cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phòng xử án. Phía ngoài, phóng viên và những người dự khán theo dõi phiên xử qua màn hình tivi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị HĐXX triệu tập thành viên hội đồng định giá, giám định viên liên quan đến thuế và người liên quan trong việc đứng tên tài sản bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Về việc này, HĐXX cho biết trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết sẽ cho triệu tập.

Lúc 10h15, đại diện VKSND công bố bản cáo trạng dài gần 90 trang. Gặp vấn đề về sức khỏe, bị cáo Đinh La Thăng được ngồi nghe Kiểm sát viên đọc cáo trạng.

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án theo chủ trương.

VKSND cáo buộc quá trình triển khai dự án, bị cáo Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng GTVT) xuất phát từ động cơ cá nhân đã thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, điện thoại cho bị can Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án.

Sau đó, công ty của Đinh Ngọc Hệ được tạo điều kiện trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Từ sai phạm của ông Thăng, Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá, bị cáo Hệ đã thực hiện các hành vi gian dối nhằm "Chiếm đoạt tài sản của Nhà nước".

Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương.

Đinh Ngọc Hệ với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương nên sau khi được ông Thăng tạo điều kiện, bị can đã chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính giai đoạn 2001-2002.

VKSND xác định sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã tìm cách kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí. Sau đó, Út "Trọc" còn chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm nhằm thay đổi kết quả kinh doanh, che giấu doanh thu để báo cáo không đúng thực tế.

Cáo trạng chỉ rõ từ các hành vi gian dối này, Đinh Ngọc Hệ cùng nhóm đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng của Nhà nước.

TRẦN MINH (t/h)

/ngay-mai-ong-dinh-la-thang-hau-toa-vu-sai-pham-700-ti-dong-tai-cao-toc-tp-hcm-trung-luong.html