Cảnh đổ nát sau không kích của Israel xuống thành phố Gaza, Dải Gaza, ngày 04/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN.
Theo trang middleeastmonitor.com ngày 04/4, các Luật sư cảnh báo rằng Anh có nghĩa vụ pháp lý phải hành động để ngăn chặn nạn diệt chủng, nhất là sau khi Tòa án Công lý Quốc tế nhận thấy rằng hành động của Israel có thể được coi là có ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo.
Thông điệp cốt lõi của bức thư dài 17 trang nhấn mạnh rằng Anh cần phải cấp bách giải quyết tình hình bi thảm ở Gaza. Bức thư cũng chỉ trích các bộ trưởng trong chính phủ Anh không đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan đến việc bán vũ khí cho Israel và ngừng viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).
Israel đã nhiều lần coi nhân viên UNRWA là các thành viên Hamas. Nước này cũng vận động hành lang để đóng cửa UNRWA trong khi đây là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có nhiệm vụ cụ thể là chăm sóc các nhu cầu cơ bản của người tị nạn Palestine. Israel cho rằng nếu cơ quan này không còn tồn tại thì vấn đề người tị nạn chắc chắn không còn tồn tại và quyền hợp pháp cho người tị nạn Palestine được trở về vùng đất của mình sẽ không còn cần thiết nữa. Israel đã từ chối cho người Palestine quay về vùng đất của mình từ cuối những năm 1940.
Bức thư của các Luật sư Anh nêu rõ: “Mặc dù chúng tôi hoan nghênh chính phủ Anh kêu gọi ngày càng mạnh mẽ Israel ngừng cuộc chiến và đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, nhưng khi tiếp tục bán vũ khí cho Israel và cảnh báo ngừng viện trợ cho UNWRA, thì chính phủ Anh đang không tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”. Thủ tướng Anh chịu áp lực ngày càng tăng về việc ngừng bán vũ khí cho Israel sau vụ 7 nhân viên cứu trợ ở Gaza thiệt mạng do cuộc không kích của Israel ngày 1/4. Trong số các nạn nhân có ba công dân Anh.
Bức thư nói thêm rằng thông qua các biện pháp hợp pháp, Anh phải thực hiện các động thái ngay lập tức để chấm dứt các nguy cơ nghiêm trọng ở Gaza.
Theo các Luật sư, nếu không tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước về diệt chủng thì nhà nước Anh phải chịu trách nhiệm về việc phạm phải sai lầm quốc tế. Kể từ năm 2015, Anh đã cấp phép bán vũ khí trị giá 617 triệu USD cho Israel. Anh phụ trách 15% giá trị của mỗi máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất mà Israel sử dụng để ném bom Gaza. Tham gia sản xuất 36 chiếc F-35 được xuất khẩu sang Israel cho đến năm 2023 đã mang lại cho ngành công nghiệp vũ khí của Anh ít nhất là 466 triệu USD.
Bức thư trên xuất hiện trong bối cảnh các tổ chức viện trợ quốc tế lớn cảnh báo gần như không thể hoạt động ở Dải Gaza. Lãnh đạo tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) Isabelle Defourny bày tỏ quan ngại khi 13 tổ chức nhân đạo lớn bị hạn chế hoạt động viện trợ ở Gaza. Bà nhận định: "Gaza đang dần trở nên không phù hợp cho cuộc sống của con người. Tình hình tại đây đã vượt qua ngưỡng kinh hoàng tột độ”.
MSF cũng cho rằng các cuộc không kích của Israel khiến các nhân viên nhân đạo quốc tế thiệt mạng hồi đầu tuần cho thấy mục đích cố ý hoặc hạn chế năng lực cứu trợ. Các nhóm viện trợ cũng yêu cầu Israel từ bỏ kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah ở phía Nam Gaza, nơi có hơn 1 triệu dân thường đang trú ẩn.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson hối thúc Israel thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các bước đi, bao gồm cam kết mở cảng Ashdod để chuyển hàng viện trợ trực tiếp tới Gaza, mở cửa khẩu Erez cho một tuyến đường mới để chuyển hàng viện trợ tới phía Bắc Gaza và tăng đáng kể việc vận chuyển hàng hóa từ Jordan trực tiếp đến Gaza.
Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza do Hamas kiểm soát, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào tháng 10 năm ngoái, ít nhất 33.037 người đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tại dải đất bị chiến tranh tàn phá, nhiều khu vực rộng lớn đã biến thành đống đổ nát, hơn 2 triệu người Palestine đang phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cơ bản khác.