Công nghệ đang ngày càng phát triển để cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm tiện nghi và tốt nhất. Trong ngành công nghiệp ôtô, trải nghiệm được mong đợi nhất là sự kết hợp giữa an toàn với các tính năng như micrô, cảm biến và kết nối Internet. Đây là những đặc điểm của một sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng những tính năng này đã biến một số ôtô thành cỗ máy thu thập dữ liệu. Theo phóng viên tại Sydney, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang tên “Choice” (Australia) mới đây đã nêu lên những quan ngại về cách các công ty sản xuất xe ôtô sử dụng dữ liệu thu thập được về người lái xe.
Nhóm này phát hiện ra rằng một số nhà sản xuất đang chuyển dữ liệu nhạy cảm như bản ghi âm giọng nói mà không được sự cho phép của chủ xe.
Choice đã liên lạc với 10 thương hiệu xe ôtô bán chạy nhất tại Australia và nghiên cứu chính sách bảo mật của họ. Jarni Blakkarly, Tổng giám đốc điều hành của Choice, cho biết tổ chức này đã phát hiện ra 7 trong số các công ty đó đang theo dõi một số dữ liệu của người lái xe và chia sẻ dữ liệu đó với bên thứ ba gồm Hyundai, Kia, Tesla, Toyota, Ford, MG và Mazda.
Theo ông, đây là một thực tế đáng lo ngại và chính phủ cần phải có kế hoạch kiểm tra việc sử dụng dữ liệu một cách công bằng và hợp lý, đưa chúng vào đạo luật về quyền riêng tư để các công ty không thể tự viết các quy tắc của riêng mình và không thể làm bất cứ điều gì họ muốn với dữ liệu của khách hàng.
Bộ trưởng Truyền thông Australia Michelle Rowland cũng đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác với những cách mà xe ôtô của họ và các công nghệ khác, như một số thiết bị kết nối Internet, có thể thu thập dữ liệu cá nhân.
Loại dữ liệu mà các nhà sản xuất xe ôtô lưu giữ khác nhau, tùy theo từng thương hiệu. Ông Blakkarly cho biết Choice phát hiện ra rằng một số thương hiệu có nhiều hoạt động bán hàng đáng lo ngại hơn những thương hiệu khác.
Trong trường hợp của Hyundai và Kia, các công ty này đang thu thập dữ liệu nhận dạng giọng nói và bán dữ liệu đó cho một công ty bên thứ ba đào tạo phần mềm AI.
Đối với các công ty khác, họ đã viết các chính sách bảo mật cực kỳ rộng rãi, cho phép họ thực hiện đủ mọi loại việc, nhưng có khả năng bán dữ liệu đó cho các công ty bảo hiểm hoặc các bên khác, nhà quảng cáo, tiếp thị và thực sự không ai biết chính xác điều gì đang diễn ra.
Trong khi đó, Tesla thu thập dữ liệu giọng nói và video, sau đó chia sẻ một số dữ liệu với bên thứ ba.
Choice phát hiện ra rằng Toyota, Ford, MG và Mazda cũng thu thập một số dữ liệu của người lái xe, một số công ty sản xuất ôtô chuyển dữ liệu đó hoặc có chính sách không rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu đó.
Ba công ty còn lại gồm Mitsubishi, Subaru và Isuzu không thu thập hoặc chia sẻ dữ liệu của người lái xe tại Australia.