/ Tin tức
/ 9 nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước về thanh niên năm 2022

9 nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước về thanh niên năm 2022

15/02/2022 03:01 |

(LSVN) - Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh niên năm 2022.

Ảnh minh họa. 

Theo đó, 9 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh niên năm 2022 gồm: 

Thứ nhất, triển khai Luật Thanh niên năm 2020: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên; các chính sách pháp luật đối với thanh niên theo quy định tại Luật Thanh niên, Nghị định số 13/2021/NĐ-CP, Nghị định số 17/2021/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030: tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện Chiến lược; ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch năm 2022 thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược.

Thứ ba, tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 quy định tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP của Chính phủ; chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Thứ tư, triển khai thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam: lồng ghép các chỉ tiêu thống kê về thanh niên vào Bộ chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê của bộ, ngành và địa phương; chia sẻ dữ liệu thông tin về thanh niên cho các địa phương; báo cáo số liệu thống kê về thanh niên theo quy định.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện việc thu hút, tuyển dụng công chức, viên chức theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Thứ sáu, đối với các địa phương thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 sau khi hoàn thành nhiệm vụ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ và công văn số 6732/BNV-CTTN ngày 30/12/2021 của Bộ Nội vụ.

Thứ bảy, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành và địa phương.

Thứ tám, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Thứ chín, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, cụ thể: Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên; kết quả ban hành Nghị quyết phát triển thanh niên; Chương trình, Kế hoạch phát triển thanh niên; kết quả thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; kết quả ban hành Kế hoạch tuyển dụng và thực hiện tuyển dụng Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ; kết quả thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; kết quả tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ lưu ý, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương. Báo cáo gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 20/12/2022 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

PV

Hàng loạt cây xăng 'găm hàng' không bán: Xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng