/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Agribank đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn

Agribank đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn

26/01/2021 14:55 |

(LSVN) - Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đại dịch Covid-19 song dịch vụ thẻ Agribank tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì vị trí top 3 trên thị trường. Đặc biệt, dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank được vinh danh là 1 trong 20 “sáng kiến vì cộng đồng”, góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Khách hàng luôn được hướng dẫn tận tình khi sử dụng dịch vụ thẻ Agribank.

Thực tế hiện nay, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, khu vực nông thôn vẫn rất thiếu, độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng với chi phí cao. Để “lấp khoảng trống” tại khu vực này và để tiếp tục khẳng định vai trò “Tam nông” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã đề xuất và triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Được triển khai từ tháng 9/2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã cung cấp cho khách hàng tại địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh, thủ tục linh hoạt. Khách hàng có thể sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị...

Thẻ thấu chi của Agribank đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Các công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các cửa hàng đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… được miễn phí chiết khấu và lắp đặt máy quẹt thẻ POS với thủ tục đơn giản, quy trình thanh toán nhanh chóng. Tính đến 31/12/2020, tổng số lượng thẻ Agribank phát hành đạt trên địa bàn nông thôn đạt gần 240.000 thẻ, hạn mức thấu chi đã cấp là hơn 1.600 tỉ đồng, số POS lắp mới hơn 1.800 POS.

Việc triển khai thực hiện Đề án có vai trò và ý nghĩa kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác, v.v…tạo điều kiện giúp họ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý cũng như được tham gia các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại của ngân hàng. Ngoài ra, dịch vụ này giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Với sáng kiến đưa thẻ thấu chi về địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh tài chính toàn diện, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Bám sát địa bàn nông thôn, thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả cũng như nhu cầu của người dân, Đề án thẻ thấu chi của Agribank đã thực sự mang dịch vụ ngân hàng đến tận từng gia đình. Không chỉ góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, sự nỗ lực đưa dịch vụ ngân hàng tới địa bàn nông thôn của Agribank đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn cao cả “không ai bị bỏ lại phía sau”, mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tín dụng cũng như dịch vụ ngân hàng cho tất cả người dân. 

Ông Nguyễn Công Bằng (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, Long An) sử dụng thẻ thấu chi của Agribank để mua hàng.

Sở hữu mạng lưới lớn nhất hệ thống ngân hàng với trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận các thôn, xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (là ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo), ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động ngân hàng, Agribank đã và đang đưa dịch vụ tài chính đến tận tay người dùng vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền tổ quốc. Với sự nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thanh toán nông thôn, Agribank đang thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng và góp phần quan trọng vào tiến trình hiện thực hóa chiến lược tài chính quốc gia.

Agribank luôn là ngân hàng tiên phong có đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cũng như cung cấp những giải pháp tài chính thiết thực và dịch vụ ngân hàng hiện đại cho bà con nông dân, người dân khu vực nông thôn. Đến nay, Agribank có tổng tài sản gần 1,57 triệu tỉ đồng, nguồn vốn huy động đạt trên 1,45 triệu tỉ đồng, đáp ứng đủ và kịp thời cho nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành nhưng vẫn đạt trên 1,21 triệu tỉ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm gần 70% tổng dư nợ của Agribank. Riêng về sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank luôn giữ vững vị trí TOP 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường thẻ với trên 13,8 triệu thẻ đang hoạt động, 3.294 ATM, 156 CDM trên toàn quốc và luôn ưu tiên dành ngân sách để triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

PV

Agribank phát hành 5.000 tỉ đồng Trái phiếu ra công chúng năm 2020

Lê Minh Hoàng